Giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về giao thông: Gia đình đóng vai trò rất quan trọng
Tình trạng học sinh các trường THCS, THPT vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đi học bằng xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng… gây mất trật tự ATGT, vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, cần được chấn chỉnh.
Nhiều học sinh vi phạm ATGT
Ngày 15 và 16.6, phóng viên có mặt tại khu vực trước cổng các Trường THPT Xuân Diệu (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước), Trường THPT số 1 An Nhơn (TX An Nhơn), Trường THPT Phù Mỹ 1 (thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) vào giờ tan trường và ghi nhận rất nhiều học sinh (HS) đi xe mô tô dàn hàng hai, hàng ba, vừa đi vừa nói chuyện, gây cản trở giao thông. Nhiều em không đội mũ bảo hiểm chở 3, chở 4, rồ ga phóng nhanh trên đường, mặc dù các trường này đều nằm trên tuyến QL 1A, QL 19, có rất nhiều phương tiện giao thông tham gia, nhất là các xe có tải trọng lớn, nguy cơ dẫn đến TNGT.
Học sinh sử dụng xe mô tô đi học trên đường Nguyễn Huệ (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước).
Riêng sáng 16.6, phóng viên chứng kiến nhiều HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn) đi học bằng mô tô vào thẳng trong trường nhưng không có sự kiểm tra, nhắc nhở nào từ phía nhà trường đối với HS vi phạm.
Khi được hỏi vì sao không có bằng lái xe nhưng em vẫn đi học bằng xe mô tô, em L.H.P, HS lớp 12, Trường THPT Xuân Diệu, cho rằng: “Vẫn biết là sai nhưng do nhà em ở xa (xã Phước Thành - PV), mà ba mẹ bận đi làm, không có thời gian đưa đón, nên cho em sử dụng xe máy để tiện việc đi lại, học hành”.
Theo ông Trương Văn Dự, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Diệu, nhà trường thường xuyên phối hợp với CA huyện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền. Tại cuộc họp phụ huynh HS đầu năm, đầu học kỳ, giáo viên chủ nhiệm cũng đã nhắc nhở phụ huynh không được cho con em đi mô tô đến trường; tổ chức cho HS ký cam kết không vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn một số HS của trường nhưng nhà ở xa như xã Phước Thành, Phước An đến trường bằng xe mô tô. Các HS này gửi xe tại các nhà dân bên ngoài trường, nên nhà trường không có chức năng kiểm tra, xử lý. “Chúng tôi cũng đã có nhiều biện pháp như nhắc nhở, mời phụ huynh đến cam kết; hạ bậc hạnh kiểm HS, cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt nhưng tình hình vẫn không thay đổi”, ông Dự than phiền.
Trách nhiệm của gia đình là chính
Về tình trạng HS đi học bằng xe mô tô, ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, từ đầu năm học 2019 - 2020, Sở đã có nhiều công văn chỉ đạo các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác giáo dục, nghiêm cấm HS đi học bằng xe mô tô trên 50 phân khối. Cán bộ Phòng CSGT CA tỉnh, ban giám hiệu các trường học, và các tổ chức đoàn thể đã tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến phụ huynh, HS. Ban giám hiệu các trường cũng đã yêu cầu phụ huynh, HS ký cam kết không vi phạm. Đối với những trường hợp HS cố tình vi phạm, ban giám hiệu nhà trường căn cứ theo quy định của ngành GD&ĐT để xử lý. “Để xử lý triệt để tình trạng này, ngoài việc nhà trường thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của HS, các bậc phụ huynh không nên để con em đi học bằng xe mô tô”, ông Tuấn đề nghị.
Cùng quan điểm, thượng tá Ngô Đức Hoài, Phó Phòng CSGT (CA tỉnh), cho biết: Tình trạng HS điều khiển xe mô tô đến trường chưa được ngăn chặn triệt để có nguyên nhân chính là gia đình quá nuông chiều con cái với nhiều lý do khác nhau như nhà xa trường, đi học thêm nhiều… Khi bị CSGT phát hiện, dừng xe xử phạt thì phụ huynh đứng ra xin cho con. Cha mẹ chở con đi lại vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, nên con bắt chước, tiếp diễn sai phạm.
“Để giải quyết hiệu quả vấn đề này, ngoài trách nhiệm của cơ quan chức năng, nhà trường và xã hội, cha mẹ cần kiên quyết không mua xe máy, giao xe cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi mà pháp luật quy định, xác định điều đó là vì sự an toàn tính mạng của con em mình. Sắp đến, chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các trường hợp HS vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường đồng thời gửi cho Sở GD&ĐT để biết và theo dõi, giám sát việc xử lý của nhà trường”, thượng tá Hoài nói.
Ðiều 58, Ðiều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe theo quy định và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 phân khối; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 phân khối trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự…
VĂN LƯU