Ðầu tư cho hệ thống truyền thanh cơ sở: Góc nhìn từ Hoài Nhơn
Hệ thống truyền thanh cơ sở ở tuyến xã, phường thuộc TX Hoài Nhơn có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tham gia phổ biến chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng dư luận xã hội. Ðể tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới, hệ thống này cần được quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn.
Phòng máy phát sóng, tiếp âm, ghi âm sản xuất chương trình phát thanh của Đài truyền thanh xã Hoài Sơn.
“Không yêu nghề thì khó nói chuyện hoàn thành tốt nhiệm vụ”
TX Hoài Nhơn có 17 đài truyền thanh cơ sở, tất cả đều sử dụng phương tiện truyền thanh không dây, ngoài hệ thống máy tăng âm, phát sóng, tiếp âm tại trung tâm phường xã, trung bình mỗi đài cơ sở lắp đặt, quản lý từ 30 đến 40 thiết bị thu-phát sóng FM.
Theo quy định, đài cơ sở có thời lượng hoạt động trực, tiếp âm phát sóng 3 giờ/ngày. Trong đó, thời lượng dành cho việc tiếp phát lại các chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT-TH Bình Đinh và Đài Hoài Nhơn chiếm khoảng 75%, thời lượng còn lại dành cho đài cơ sở thông tin các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ngoài ra, hàng tuần các đài cơ sở còn phải tổ chức sản xuất 3 chương trình thời sự địa phương và cộng tác tin, bài với đài cấp trên, đó là chưa kể đến việc phải xử lý kịp thời những hư hỏng đột xuất không để gián đoạn nhu cầu thông tin thiết yếu hàng ngày của người dân.
Anh Nguyễn Văn Phương, Trưởng Đài truyền thanh xã Hoài Sơn, chia sẻ: Hoài Sơn là xã miền núi, 12 thôn trên địa bàn đã được lắp đặt 40 thiết bị thu sóng FM với 80 loa phóng, đạt tỷ lệ phủ sóng trên 95%. Chúng tôi có thể kiêm nhiệm đáp ứng được khâu nội dung nhưng việc quản lý sửa chữa hiện nay là quá nặng. Có như vậy là do địa bàn quá rộng, một số thôn ở cách xa trung tâm xã có khi tới 10 km phải vượt qua đèo núi hiểm trở mới tiếp cận được như thôn La Vuông, An Đỗ, Tường Sơn…Vì vậy việc khắc phục các sự cố, hỏng hóc khá nan giải đối với cán bộ đài kiêm nhiệm nhân viên kỹ thuật. Nói thật là nếu không gắn bó, yêu nghề thì khó nói chuyện hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Văn Hiến, Trưởng Đài truyền thanh phường Tam Quan Nam, người có thâm niên hơn 40 năm làm công tác truyền thanh cơ sở, bày tỏ: Trong các nhiệm vụ của người làm công tác truyền thanh cơ sở, khó nhất không phải là sản xuất nội dung mà là việc sửa chữa những cụm thu phát sóng FM bị hư hỏng. Bởi những thiết bị này thường được chế tạo theo hướng đặc chủng, mức độ thay đổi giữa các đời thiết bị rất cao, nếu không có nhiều kinh nghiệm sẽ loay hoay mất rất nhiều thời gian mà có khi vẫn không sao sửa chữa được. Nói như vậy thấy anh em làm truyền thanh cơ sở đa năng, đa nhiệm lắm!
Cần được tạo điều kiện tốt hơn
Để tiếp tục củng cố nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng hoạt động của đài truyền thanh cơ sở, trong tháng 5.2020 vừa qua, Phòng VH-TT phối hợp với Trung tâm VH-TT&TT TX Hoài Nhơn tiến hành kiểm tra công tác đầu tư cơ sở vật chất, hoạt động tuyên truyền cũng như thực hiện các chế độ chính sách của 17 đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn thị xã. Theo đánh giá chung của Đoàn kiểm tra, hàng năm các địa phương đều có sự quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị chuyên dùng cho đài cơ sở hoạt động chuyên nghiệp hơn, đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi như hỗ trợ đóng BHXH, BHYT, chế độ trực ngoài giờ, lễ, tết góp phần động viên, khích lệ đội ngũ này yên tâm công tác.
Nhưng theo ông Nguyễn Sanh Trinh, Phó Trưởng phòng VH-TT TX Hoài Nhơn, qua kiểm tra cho thấy, vấn đề đáng lo hiện nay là dù đã thực hiện theo Hướng dẫn 01/HD-STTTT ngày 25.7.2018 của Sở TT&TT nhưng một số xã, phường mãi vẫn không tuyển được nhân viên kỹ thuật, trưởng đài phải đảm nhận cả hai phần việc biên tập, kỹ thuật sửa chữa, sản xuất chương trình. Đơn cử như các đài: Hoài Phú, Bồng Sơn, Hoài Tân, Tam Quan Bắc, đặc biệt có địa phương không tuyển được người đành phải điều cán bộ xây dựng - địa chính kiêm nhiệm truyền thanh!
Chia sẻ khó khăn trên, ông Nguyễn Lương, Phó Chủ tịch UBND phường Bồng Sơn cho biết: Ở địa phương, một số vị trí cán bộ công chức vài ba năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu nhưng ngay từ bây giờ đã có hồ sơ xin thế chân. Chỉ riêng vị trí người làm truyền thanh cơ sở là chưa thấy ai xin làm. Không riêng gì ở Bồng Sơn, nhiều phường, xã khác cũng có hiện tượng tương tự. Cán bộ đài mà xin nghỉ việc là chúng tôi lo lắm, bởi rất khó tìm được người thay thế. Thời gian qua tỉnh đã ban hành và thực hiện một số chính sách mới cho nhân viên đài truyền thanh cơ sở nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng, chế độ như hiện tại vẫn còn thấp so với nhu cầu tối thiểu để duy trì cuộc sống.
Vai trò, vị trí, tác dụng của truyền thanh cơ sở là điều đã được khẳng định không chỉ ở TX Hoài Nhơn mà còn là trên toàn tỉnh Bình Định. Trong mùa phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, đã cho thấy vai trò quan trọng của truyền thanh cơ sở. Hy vọng thời gian tới chính quyền và các ngành sẽ tạo thêm điều kiện tốt hơn để truyền thanh cơ sở phát huy vai trò của mình.
DIỆP BẢO SƯƠNG