Mẹ & Tết Ðoan Ngọ
* Tạp bút của Y NGUYÊN
Ngày nhỏ, cứ mỗi khi xong tết Nguyên đán là buồn bởi biết sẽ còn rất lâu mới lại tới Tết. Mẹ thấy tôi cứ thẫn thờ vào ra mới động lòng an ủi: Không lâu đâu con, tới giữa năm lại có Tết nữa mà! Tết gì hở mẹ? tết… Đoan ngọ, là ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch đó! À, ra vậy. Ngày mồng 5 tháng 5 tôi có biết, nhưng cái từ “tết Đoan ngọ” thì lần đầu tiên tôi nghe!
Mẹ và Con. Tranh của họa sĩ Gustav Klimt
Mà nghĩ lại cũng đúng; “Tết” thật; bởi quê tôi ngày ấy cứ tới mồng 5 tháng 5 hầu như người người nhà nhà đều nghỉ việc. Nhà khá giả chút sẽ đi chợ sớm, thịt gà vịt, sửa soạn cỗ bàn bày lên dâng cúng tổ tiên. Cúng kiếng, ăn uống xong rồi thì có thể dắt nhau đi thăm ông bà, cha mẹ, anh em hoặc ngay cả bằng hữu thân quen. Tới đâu cũng sẽ được tiếp đón nồng hậu, trà nước bánh trái hẳn hoi, không khí rất chi là… Tết nhất!
Vậy nhưng ấy là chuyện nhà người ta. Mẹ con tôi thuộc “phái nhà nghèo” nên mồng 5 tháng 5 thay cho cỗ bàn “hoành tráng” thường chỉ có chè xôi. Năm nào cũng chè xôi. Mẹ bảo: Cúng chay cho nó… sạch sẽ, tinh tươm! Sạch gì; mẹ không đủ tiền mua thịt nên nói cho qua thôi. Tôi với thằng Út len lén ngó sang bên nhà cô Ba hàng xóm thấy mâm bát loảng xoảng, thịt cá ê hề đứa nào cũng chảy nước miếng…
Anh em tôi lớn lên, ra đời, kiếm có công ăn việc làm, bắt đầu lùi xa những tháng ngày cơ cực. Tiền bạc khấm khá hơn xưa nhưng giờ công việc cứ cuốn tôi đi, không còn rảnh đâu quan tâm tới những chuyện “phù phiếm” như cái tết Đoan ngọ mồng 5 tháng 5. Tết gì mà Tết, thằng Út em tôi le lưỡi, mồng 5 tháng 5 cũng đi làm gần chết, có cơ quan công sở nào cho nghỉ việc đâu?? Tôi đương nhiên đồng ý cả hai tay hai chân với chú em; chỉ chị Hai là cự nự: Mấy cậu nói nhỏ thôi, không mẹ nghe được lại buồn…
Phải. Với mẹ tôi thì cái tết Đoan ngọ vẫn luôn luôn là “Tết” đúng nghĩa như xưa, không hề suy suyển. Mỗi mùa Đoan ngọ, một mình ở quê mẹ vẫn lụm cụm đi chợ từ sớm. Giờ mẹ đã có đủ tiền để mua cân thịt, mớ tôm hay con cá chép về làm cỗ cúng mồng 5. Có điều thêm món gì thêm, lễ cúng mẹ vẫn không quên hai món “truyền thống” chè, xôi. Cúng xong, mình mẹ trệu trạo ăn trước chén chè dầm xôi. Còn thịt cá ê hề mẹ cứ để nguyên, chờ thằng Tư - là tôi - với thằng Út đi làm về mới gọi cả nhà chị Hai sang, hạ mâm ngồi cùng con cháu. Khoảnh khắc ấy đúng là mẹ vui như… Tết, ngồi không ăn, chỉ lo gắp bỏ hết đứa này tới đứa khác. Ăn đi con; giờ tết Đoan ngọ nhà mình có cá thịt mà ăn như người ta. Hết khổ rồi…
Công việc bộn bề lôi kéo chúng tôi ngày một xa quê. Tới lúc Đoan ngọ hàng năm không thể về cùng mẹ. Một mình ở quê, nghe nói mỗi lần Đoan ngọ mẹ vẫn lụm cụm nấu chè thổi xôi dâng cúng. Giờ thì chỉ có chè xôi, tuyệt nhiên không bao giờ còn thịt cá. Năm nay Đoan ngọ, tôi ngồi nhậu cùng thằng bạn ở một nơi cách xa nhà, bỗng có điện thoại của chị Hai: Cậu Tư, cậu về mà coi, mẹ giờ lẩm cẩm hung rầu. Cỗ bàn cúng xong dọn xuống cứ nhất định không ăn, bảo để chờ thằng Tư với thằng Út về… Chị bảo là tụi nó mắc công chuyện rồi, má cứ ăn trước rồi đi nghỉ nhưng bả không chịu. Cứ ngồi chờ đây. Tôi chợt vỡ ra một lẽ vô cùng đơn giản, tết nhất gì đâu, mẹ chỉ muốn ngắm gương mặt đàn con sáng lên thôi, từ xưa đến bây giờ vẫn vậy mà. Tôi vội cáo từ bạn bè, có còn ăn Tết với mẹ được bao nhiêu lần nữa đâu!