Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Ðổi mới, chất lượng, hiệu quả
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã khép lại với thành công về nhiều mặt. Phó Trưởng đoàn ÐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bình Ðịnh về vấn đề này.
● Bà có thể thông tin một số kết quả đáng chú ý của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV?
- Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật; giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; xem xét các báo cáo về KT-XH, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác.
Quốc hội đã tập trung phân tích, bàn thảo về tình hình đại dịch Covid-19 và những tác động đến nước ta. Từ đó, có những quyết sách lớn trong điều hành KT-XH.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh tham gia thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 9.
Đáng chú ý, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Trên cơ sở thảo luận, xem xét thận trọng và toàn diện, Quốc hội đã quyết định kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN, HTX, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác; tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; điều chỉnh chủ trương về phương thức đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng…
Đây là những chính sách có ý nghĩa quan trọng trong tình hình hiện nay, góp phần tháo gỡ kịp thời một phần khó khăn cho nông dân, DN, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh đầu tư công. Cùng với đó là tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho TP Hà Nội và Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ, tạo động lực cho sự phát triển chung của vùng và cả nước.
● Trong kết quả chung đó, Đoàn ĐBQH tỉnh có những đóng góp cụ thể nào, thưa bà?
- Trước khi tham gia kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH đã có sự chuẩn bị rất chu đáo, nghiêm túc, trách nhiệm. Trong cả 2 đợt họp trực tuyến và tập trung tại Nhà Quốc hội, các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều lượt phát biểu sôi nổi, tích cực, bày tỏ chính kiến và góp ý với Quốc hội, Chính phủ những nội dung quan trọng. Trong đó, nổi bật là các vấn đề lớn từ thực tiễn như đầu tư hạ tầng, kết nối giao thông, liên kết vùng, phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường...
Một số ý kiến có giá trị “hiến kế” giải pháp cho Chính phủ tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép vừa khống chế dịch bệnh Covid-19, vừa khôi phục, phát triển kinh tế. Đồng thời, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong tỉnh đến Quốc hội.
● Lần đầu tiên, hình thức họp trực tuyến được áp dụng tại kỳ họp thứ 9. Xin bà cho biết hình thức họp mới này được đánh giá ra sao?
- Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 và có những quyết sách kịp thời giúp Chính phủ khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan, tổ chức liên quan, đợt họp trực tuyến đã được tổ chức rất thành công, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong cách thức tiến hành kỳ họp, được các ĐBQH và cử tri đánh giá cao.
Tuy là lần đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến liên tục trong nhiều ngày, nhưng kỳ họp đã diễn ra thông suốt, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Việc tổ chức thành công kỳ họp này sẽ tạo niềm tin, động lực để Quốc hội tiếp tục cải tiến, đổi mới, hoàn thiện phương thức hoạt động trong thời gian tới, đáp ứng tốt nhất yêu cầu từ thực tiễn. Hạ tầng phục vụ cho họp trực tuyến được phát huy trong các kỳ họp tới sẽ góp phần tránh lãng phí.
Qua thực tiễn kỳ họp, nhiều ĐBQH cho rằng, với hình thức họp trực tuyến, hoạt động của Quốc hội thêm phần lan tỏa với sự tham gia của đại diện HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các sở, ngành tại các điểm cầu. Các phóng viên địa phương cũng có điều kiện tham gia tuyên truyền sâu sát, hiệu quả hơn.
● Xin cảm ơn bà!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)