Hạn chế kháng sinh trong phẫu thuật ngoại khoa: Lợi cả đôi đường
BVÐK tỉnh là cơ sở y tế đầu tiên trong tỉnh dùng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật bệnh nhi thoát vị bẹn, mang lại hiệu quả tốt cho bệnh nhân. Ðến nay, bệnh viện xây dựng chương trình quản lý sử dụng kháng sinh và kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật triển khai toàn viện.
Giảm kháng sinh, giảm chi phí
Bé H.X.P (2 tuổi, ở phường Nhơn Bình, Quy Nhơn) mắc bệnh thoát vị bẹn. Nhập viện điều trị tại khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐK tỉnh) ngày 15.6, chỉ sau ca phẫu thuật nhẹ nhàng, ngay ngày hôm sau bệnh nhi được xuất viện. Trước đó vài ngày, đưa con trai T.N.D.K (4 tuổi) từ huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) vào BVĐK tỉnh Bình Định khám bệnh thoát vị bẹn, chị Thanh Mai cho biết: “Phẫu thuật nhanh, chừng vài chục phút là xong. Con tôi chỉ nằm theo dõi thêm 1 ngày, cũng không phải tiêm chích hay uống kháng sinh gì nữa”.
Sử dụng 1 liều KSDP trong phẫu thuật thoát vị bẹn ở bệnh nhân nhi được bác sĩ BVĐK tỉnh triển khai thường quy.
Hơn 10 năm nay, các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐK tỉnh) chỉ dùng 1 liều kháng sinh dự phòng (KSDP) trước phẫu thuật thoát vị bẹn cho bệnh nhi mà không sử dụng bất kỳ kháng sinh nào sau mổ. Đến nay, khoa đã triển khai thường quy 1 liều KSDP trong phẫu thuật thoát vị bẹn cho trẻ, với 400 - 450 bệnh nhi/năm.
“Chúng tôi còn tiến thêm một bước nữa là phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em hoàn toàn không cần dùng kháng sinh đối với một số trường hợp, và không có nhiễm trùng vết mổ xảy ra. Việc không sử dụng kháng sinh trong phẫu thuật mang lại nhiều lợi ích kinh tế và sức khỏe cho trẻ. Ðiều này cho thấy, việc không sử dụng kháng sinh trong phẫu thuật sạch hoàn toàn khả thi”.
Bác sĩ CKII PHẠM VĂN PHÚ, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp
Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Phú, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, phẫu thuật thoát vị bẹn ở trẻ là phẫu thuật sạch, đường mổ ngắn, thời gian mổ dưới 30 phút. KSDP góp phần giải bài toán sử dụng hợp lý, hiệu quả thuốc kháng sinh, giảm thời gian nằm viện (từ 7 ngày xuống còn 2 ngày) và chi phí (từ 14 liều kháng sinh điều trị còn 1 liều KSDP).
“Chỉ định dùng KSDP có thể mở rộng cho một số phẫu thuật sạch. Thời gian tới, khoa tiếp tục triển khai KSDP trong một số phẫu thuật cắt dạ dày, cắt túi mật, thoát vị bẹn người lớn có đặt lưới, cắt u phần mềm không dẫn lưu...”, bác sĩ CKII Phạm Văn Phú cho biết thêm.
Các yếu tố đảm bảo phải đồng bộ
TS Võ Bảo Dũng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, cho rằng, sử dụng KSDP không phải là mới, các nước có nền y học tiên tiến đã triển khai từ lâu. Tại Việt Nam, Bộ Y tế ban hành Quyết định 772/QĐ-BYT “Hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện”. Dù sử dụng KSDP mang lại nhiều lợi ích thiết thực, nhưng việc triển khai trong các bệnh viện tuyến Trung ương lẫn tuyến tỉnh trong cả nước nói chung, Bình Định nói riêng còn hạn chế. Theo nhiều nghiên cứu, hơn 95% bệnh nhân phẫu thuật có sử dụng kháng sinh; chi phí rất lớn, chiếm đến 45% tổng chi phí thuốc điều trị. Với BVĐK tỉnh, năm 2019, chi phí sử dụng kháng sinh chiếm 31% tổng chi phí thuốc.
Tại BVĐK tỉnh, bình quân phẫu thuật 70 trường hợp/ngày, nhưng mới có khoa Ngoại Tổng hợp triển khai thường quy KSDP trong phẫu thuật và cũng chỉ dừng ở bệnh thoát vị bẹn cho trẻ. Nhiều ý kiến lo ngại hiệu quả điều trị trong sử dụng KSDP trong bối cảnh điều kiện cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kiểm soát nhiễm khuẩn còn bất cập.
“Cuối năm 2019, BVĐK tỉnh mới triển khai KSDP trong phẫu thuật, bởi phải đảm bảo đồng bộ nhân lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, kiểm soát nhiễm khuẩn… Trước mắt, tất cả khoa lâm sàng hệ ngoại triển khai KSDP cho các phẫu thuật sạch để tạo thói quen cho bác sĩ. Biết là không thể thay đổi ngày một ngày hai thói quen của bác sĩ, nhưng chúng tôi quyết tâm triển khai để tiến tới mở rộng sử dụng KSDP trong các phẫu thuật”, bác sĩ Võ Bảo Dũng khẳng định.
Đến nay, BVĐK tỉnh đã ban hành hướng dẫn lựa chọn sử dụng kháng sinh, trong đó 10 khoa lâm sàng đăng ký 27 phẫu thuật sạch sử dụng KSDP. Bác sĩ CKII Huỳnh Thị Vân, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, nhấn mạnh, một trong nhiều biện pháp căn cơ nhất là phải kiểm soát nhiễm khuẩn khu vực phẫu thuật. Việc cải tạo cơ sở vật chất phòng mổ, thiết kế hệ thống thông khí, vệ sinh tay, sàng lọc tụ cầu trước phẫu thuật, sử dụng kháng sinh dự phòng hợp lý... được đánh giá vô cùng quan trọng, hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn, đảm bảo an toàn phẫu thuật. Nhiều năm qua, BVĐK tỉnh đã đầu tư từ đào tạo nguồn nhân lực cho đến xây dựng và chuẩn hóa các quy trình và trang bị nhiều thiết bị hiện đại trong lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn.
MAI HOÀNG