Tạo giá trị khác biệt cho danh trà Gò Loi
Trà Thái Nguyên ở miền Bắc được giới sành trà biết đến từ lâu. Tây Nguyên có trà Bảo Lộc (Lâm Ðồng), Bàu Cạn (Gia Lai) nổi tiếng. Vậy, miền Trung và miền Nam có loại trà gì? Ðây là cơ hội cho trà Gò Loi của Hoài Ân tạo dựng thương hiệu, khi du lịch Bình Ðịnh đang trên đà phát triển mạnh.
Nhiều năm qua, các cấp chính quyền huyện Hoài Ân tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa để người dân phát triển, vực dậy cây chè Gò Loi. Năm 2019, trà Gò Loi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp quyền bảo hộ công nghiệp - nhãn hiệu chứng nhận tập thể, mở ra cơ hội mới cho đặc sản này.
Vườn chè của hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Oanh (Gò Loi, Ân Tường Tây).
Yếu tố đặc trưng quyết định chất lượng của trà Gò Loi là thổ nhưỡng của vùng đồi Gò Loi, xã Ân Tường Tây. Ở đây hiện có khoảng gần 40 ha chè. Trước đó, huyện thử nghiệm phát triển cây chè xanh ở Gò Loi trên những vùng đất đồi khác, nhưng chưa thành công... Qua nhiều năm khôi phục chè Gò Loi, huyện định hướng phát triển, nâng cao giá trị kinh tế cho danh trà này bằng chất lượng, thay vì theo quy mô diện tích sản xuất hàng hóa.
Năm 2016, huyện Hoài Ân triển khai đề án phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, gồm bưởi, bơ và chè Gò Loi. UBND huyện phối hợp với Viện Nghiên cứu Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ và 10 xã nằm trong vùng dự án, tiến hành quy hoạch tổng diện tích hơn 1.594 ha trồng cây thế mạnh, trong đó diện tích chè Gò Loi khoảng 42,5 ha. Trong đề án này, UBND huyện định hướng phát triển cây chè Gò Loi theo hướng nâng cao chất lượng, từ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tiến tới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ organic. Bởi, với quy mô diện tích nhỏ, vùng chè Gò Loi khó cung ứng cho thị trường lượng sản phẩm lớn; thay vào đó là nâng giá trị của đặc sản địa phương.
Từ định hướng này, huyện Hoài Ân cũng tính toán đưa vùng đồi chè Gò Loi trở thành một điểm du lịch trong tương lai. Để hỗ trợ cho người dân nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành nông nghiệp huyện trực tiếp đến các hộ trồng chè, tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn thu hoạch, chế biến, bảo quản.
Bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, phụ trách kỹ thuật trồng trọt khuyến nông (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hoài Ân), cho biết: Đến nay các hộ trồng chè Gò Loi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, một số hộ chuyển đổi sang hướng canh tác hữu cơ. UBND huyện hỗ trợ thành lập HTX Chè Gò Loi (trong tháng 7 này) để liên kết người nông dân cùng sản xuất, tiêu thụ; hoàn thiện chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm.
Trong định hướng phát triển du lịch các huyện phía Bắc tỉnh, Hoài Ân sẽ tập trung cho du lịch nông nghiệp sinh thái bền vững, với điểm nhấn là vùng chè Gò Loi. Và tại Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân lần thứ I - năm 2020 được tổ chức vào tháng 8 này, huyện cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá danh trà Gò Loi.
● “Tôi mua về cơ quan dùng, và cũng hướng các đơn vị trong huyện nên mua trà Gò Loi quê mình đãi khách. Huyện định hướng người dân trồng chè Gò Loi đạt chuẩn organic, không chỉ để bán mà còn để phục vụ du lịch, biến nó thành mô hình du lịch xanh, cho du khách trải nghiệm hoạt động thu hoạch, chế biến, đóng gói sản phẩm… Khi đó, bà con có thể vừa phát triển kinh tế vừa tạo ra được giá trị khác biệt cho trà Gò Loi”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc
● “Các hộ dân trong vùng đều hào hứng, ủng hộ việc thành lập HTX Chè Gò Loi, bởi sẽ liên kết với nhau cùng tạo ra mô hình sản xuất chè theo hướng an toàn, nâng cao giá trị của chè Gò Loi”.
Ông Nguyễn Hữu Oanh, chủ cơ sở sản xuất trà Gò Loi được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh
THU DỊU