Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Báo chí cần giữ vững tinh thần cách mạng
Tối 21.6, Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ 14 - 2019 đã diễn ra tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đây là phần thưởng cao quý nhất, tôn vinh những cống hiến không mệt mỏi của những người làm báo.
Một năm qua, đóng góp to lớn của đội ngũ những người làm báo đã được kết tinh trong hơn 1.600 tác phẩm dự Giải báo chí quốc gia lần thứ 14. Báo chí đã phản ánh toàn diện và sâu sắc đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, phản biện, có hiệu quả xã hội tích cực.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Trong số 140 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo ở 11 thể loại, Giải báo chí quốc gia lần thứ 14 tôn vinh 103 tác phẩm, cùng các tác giả, những đơn vị báo chí xuất sắc tiêu biểu nhất trong năm 2019. Trong đó có 32 Giải khuyến khích, 41 Giải C, 21 Giải B và 9 Giải A.
Gửi lời chúc mừng các nhà báo nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và lời chúc đặc biệt tới những tác phẩm và tác giả được vinh danh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Giải Báo chí Quốc gia năm 2019 đã thu hút sự tham gia của nhiều tác giả, với những tác phẩm báo chí chất lượng cao, hình thức thể hiện hấp dẫn, có sức lan tỏa, đóng góp tích cực cho sự tiến bộ xã hội.
“Lễ trao Giải Báo chí quốc gia diễn ra mỗi năm một lần, quy tụ những nhà báo xuất sắc nhất, tác giả của những bài viết công phu, tâm huyết nhất vì sự phát triển của đất nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin chúc mừng các nhà báo được trao giải Báo chí quốc gia cao quý năm nay. Đảng, Nhà nước trân trọng sự đóng góp của các đồng chí. Chúc mừng phóng viên, biên tập tập viên, những người có đóng góp trực tiếp và gián tiếp cho lĩnh vực thông tin của đất nước, nhưng không đến dự được Lễ trao giải hôm nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng, quan trọng vào sự nghiệp cách mạng, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng dựng bảo vệ tổ quốc. Báo chí đã phản ánh kịp thời, khách quan những diễn biến quan trọng trong đời sống, chính trị của đất nước; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí... Báo chí đồng thời góp phần quan trọng giúp nâng cao vị thế quốc tế và hình ảnh Việt Nam ra trường quốc tế. Đặc biệt, báo chí thời gian qua đã góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
“Chủ trương của Đảng và Nhà nước, hành động quyết liệt của Chính phủ với thông điệp mạnh “Chống dịch như chống giặc”; “Thực hiện mục tiêu kép: Chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế”... đã được báo chí cả nước truyền tải hiệu quả hàng ngày, hàng giờ tới từng người dân, từng doanh nghiệp. Còn gì đáng trân trọng hơn hình ảnh các phóng viên đồng hành cùng các y bác sĩ, các chiến sĩ quân đội, công an trong cuộc chiến chống đại dịch. Báo chí đã góp phần to lớn tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn dân, sự đoàn kết nhân ái trong xã hội trong cuộc chiến này. Đây là những yếu tố quan trọng đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới kiểm soát được dịch Covid-19 và bước vào trạng thái “bình thường mới”. Dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của người làm báo. Chính phủ luôn đồng hành cùng báo chí, tạo điều kiện để báo chí vượt qua khó khăn này, cũng như khó khăn do tác động của công nghệ mới, truyền thông mạng xã hội...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ: Báo chí cách mạng lấy sứ mệnh của cách mạng làm sứ mệnh của mình. Báo chí cần giữ vững tinh thần cách mạng, giữ gìn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người dân, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc, cùng thực hiện mục tiêu, khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng vào năm 2045.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các tác phẩm báo chí cũng cần chú trọng tới mảng phát hiện nhân tố mới, gương điển hình, người người tốt, việc tốt... nhằm lan tỏa chân thiện mỹ trong xã hội...
Phát biểu tại lễ trao giải, nhà báo Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, các thế hệ nhà báo cách mạng thực sự là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng.
Nhà báo Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Nhiều tác phẩm có hiệu quả tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh phê phán cũng như biểu dương tính xây dựng của báo chí.
“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ nhà báo cách mạng luôn có mặt tại nơi đầu sóng ngọn gió và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng. Gần 500 nhà báo đã hy sinh ngoài mặt trận. Ngay khi thời bình, nhiều nhà báo không quản ngại gian khó, nguy hiểm đến tính mạng, lăn xả vào nơi bão lũ hiểm nguy, cùng chiến đấu chống đại dịch Covid-19, chống buôn lậu ma túy... Tiếp nối các thế hội nhà báo đi trước, thế nhà nhà báo trẻ được đào tạo bài bản, có khả năng làm chủ công nghệ mới, chủ động bắt kịp xu thế đa phương tiện của báo chí khu vực và thế giới, đặc biệt là lĩnh vực truyền hình, phát thanh và báo điện tử”, nhà báo Thuận Hữu nêu rõ.
Trên chặng đường gần một thế kỷ phát triển, những người làm báo Việt Nam có quyền tự hào về nền báo chí cách mạng giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.
Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 14-2019 có hơn 1.600 tác phẩm tham dự cho thấy hiệu quả và sức hút của giải trong hoạt động báo chí. Trong điều kiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, Hội đồng Chung khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ 14 - 2019 đã chấm 140 tác phẩm thuộc 11 loại hình báo chí và lựa chọn ra 103 tác phẩm xuất sắc.
Theo Vũ Toàn-Thiên Bình (VOV.VN)