Kỳ thú chương trình quan sát nhật thực
Chiều 21.6, Trung tâm Khám phá khoa học (Sở KH&CN) tổ chức “Chương trình quan sát nhật thực một phần”, không chỉ thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và du khách đến xem, chương trình này còn mở ra nhiều khả năng cho những chương trình kế tiếp.
Các em nhỏ và du khách hào hứng khám phá hiện tượng nhật thực một phần qua kính chuyên dụng.
Bất chấp cái nắng nóng như thiêu đốt giữa trưa hè, từng đoàn khách tham quan với đủ mọi phương tiện nối đuôi nhau đổ về Trung tâm Khám phá khoa học (Sở KH&CN) ở KV 2, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Ai cũng muốn chứng kiến thời khắc một hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp, mặt khác đây cũng là kỳ nhật thực cuối cùng của thập kỷ tại Việt Nam này.
Chen giữa dòng người ấy, chúng tôi bắt gặp một bé trai chừng 8 tuổi cố lôi kéo mẹ đi nhanh vì sợ trễ giờ. Chị Nguyễn Thị Thu mỉm cười chia sẻ: “Cu cậu rất háo hức, từ tối đến giờ không ngủ yên, cứ thấp thỏm xem đồng hồ, chờ tới giờ hối mẹ đưa đến lớp để cùng cô giáo dẫn vào xem nhật thực. Thấy con háo hức quá nên tôi cũng đi xem luôn cho biết!”.
Chị Đỗ Thị Thanh Nhạn, nhân viên phòng hành chính của Trung tâm cho biết: “Nhu cầu khách đến tham quan và quan sát nhật thực rất đông. Ban đầu chỉ có khoảng 300 người đăng ký, chủ yếu là học sinh, sinh viên các trường, nhưng càng về sau càng đông, đến lúc này số lượng người đổ về đây nhiều hơn mong đợi của chúng tôi rất nhiều”.
Nguồn: BTV
13 giờ. Sảnh chính của Trung tâm không còn chỗ ngồi, mọi người tập trung lắng nghe nhân viên Trung tâm giới thiệu khái quát về nhật thực cũng như cách quan sát nhật thực an toàn; đồng thời, quan sát hiện tượng nhật thực từ xa qua các cầu truyền hình được kết nối trực tiếp với 4 điểm cầu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Nha Trang. Sau khi nghe các nhân viên Trung tâm giới thiệu và hướng dẫn, từng nhóm học sinh, sinh viên được dẫn ra sân ngắm hiện tượng nhật thực qua nhiều loại kính khác nhau.
Rất dễ nhận ra sự háo hức từ các em nhỏ - nhóm đối tượng chiếm tỷ lệ áp đảo tại sự kiện này, nhưng ấn tượng thú vị nhất lại là ý thức trật tự của các em. Các em nhanh nhẹn xếp thứ tự chờ đến lượt mình ngắm nhật thực tại các thiết bị hỗ trợ. Và từ đây, hiện tượng nhật thực được các em nhỏ ghi nhận vô cùng lý thú và rất... thực tế. Em Nguyễn Hồ Phúc Lộc, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn) hồn nhiên cười sung sướng miêu tả: “Hồi nào giờ em nghe thầy cô nói về nhật thực nhưng không hiểu lắm, giờ thì hiểu rồi, tưởng tượng nó giống như một cái chảo trứng ốp la bị khuyết mất một góc”. Niềm vui từ việc được nhận diện chính xác, được thực chứng các hiện tượng và giải thích được nó dưới lăng kính khoa học luôn đem lại cho con người những niềm vui giản dị. Nó đúng với con người từ em nhỏ như Lộc cho đến những sinh viên như Đoàn Văn Giàu, Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quy Nhơn. Giàu hào hứng trò chuyện với tôi: “Từ nhỏ em đã đam mê và nghiên cứu thiên văn học. Lâu nay chỉ được đọc, xem hiện tượng nhật thực qua sách, báo, video trên mạng. Đây là lần đầu tiên em được ngắm nhìn hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này qua các kính chuyên dụng. Em có cảm giác chân thực hơn và niềm yêu thích thiên văn học của em lại được nhân lên. Em thấy rất vui, khi tham gia sự kiện với những người có cùng niềm ham thích tìm hiểu các hiện tượng khoa học như hôm nay”.
Rất nhiều người tham gia sự kiện cho biết, việc Trung tâm Khám phá khoa học mở ra chương trình đầy thú vị như hôm nay, không chỉ giúp người tham gia có thêm trải nghiệm, mở mang kiến thức mà còn giúp khu vực xinh đẹp như Ghềnh Ráng có thêm cơ hội được nhiều người biết đến, tạo ra một nội dung mới, độc đáo cho ngành kinh tế du lịch - du lịch khám phá khoa học.
Th.S Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN kiêm Giám đốc Trung tâm Khám phá khoa học chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng vì đã tổ chức được một sự kiện có ý nghĩa và thu hút được nhiều người như vậy. Đây mới chỉ là khởi đầu, trong tương lai, Trung tâm sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình khác để tập hợp người yêu khoa học nói chung và thiên văn nói riêng đến Trung tâm để khám phá, trải nghiệm khoa học một cách trực quan hơn. Trung tâm đang trong quá trình hoàn thiện trạm quan sát thiên văn và tuyển chọn các chuyên gia nhiều kinh nghiệm để vận hành nhằm đưa khoa học đến gần với công chúng hơn”.
HỒNG HÀ