ÐẨY NHANH GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG:
Không giải ngân hết, không bố trí lại
Vốn đầu tư công chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng chi đầu tư của xã hội. Với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đến cuối tháng 6.2020 hơn 2.813 tỷ đồng (đạt hơn 42,6% kế hoạch vốn) là nguồn “vốn mồi” quan trọng để thu hút các nguồn lực khác đầu tư vào nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo ra tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.
Theo Sở KH&ĐT, tổng kế hoạch vốn đầu tư công được phân bổ thực hiện năm 2020 của tỉnh hơn 6.600 tỷ đồng. Trong số 2.813 tỷ đồng đã giải ngân, có tiến độ giải ngân tốt nhất là vốn ODA với hơn 598 tỷ đồng (đạt 66,4% kế hoạch vốn giao); vốn Trung ương đầu tư có mục tiêu giải ngân hơn 614 tỷ đồng (49,5%); vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh hơn 1.489 tỷ đồng (38,4%)...
Việc giải ngân đúng tiến độ kế hoạch vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh.
- Trong ảnh: Dự án đầu tư QL 19 mới là một trong những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Kích thích tổng cầu thông qua chi tiêu công
Theo Trưởng ban Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh Tô Tấn Thi, từ đầu năm đến nay, Ban đã nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng 4 công trình thi công hồ chứa nước và tiêu thoát lũ. Ngoài ra, Ban còn đảm bảo tiến độ giải ngân nhiều dự án lớn. Đặc biệt, dự án vay vốn nước ngoài để khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tỉnh quy mô rất lớn với 9 dự án thành phần (53 hạng mục công trình), có tổng giá trị 1.113 tỷ đồng; đến nay đã hoàn thành 25 hạng mục, dự kiến hoàn thành thêm 24 hạng mục đến cuối năm nay và đảm bảo tiến độ dự án kết thúc 4 hạng mục còn lại trước 30.9.2021. Kế hoạch vốn năm 2020 từ vốn vay đến nay đã giải ngân 330,5/512,3 tỷ đồng, đạt 64,5%; giải ngân vốn đối ứng của tỉnh 9,6/16,4 tỷ đồng, đạt 58,7%.
Thời gian qua, nhiều công trình đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh thi công để đảm bảo hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng theo kế hoạch đề ra như: Tuyến đường trục khu kinh tế nối dài, đường Hoàng Văn Thụ nối dài (TP Quy Nhơn) dự kiến hoàn thành trước 30.6; Trung tâm Hội nghị của tỉnh hoàn thành trong tháng 7 tới… Ông Lê Văn Lịch, Giám đốc Ban Quản lý dự án Dân dụng và Công nghiệp tỉnh, cho hay: Song song nguồn lực triển khai dự án quy mô lớn từ vốn vay nước ngoài là dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải - Tiểu dự án TP Quy Nhơn, giai đoạn này chúng tôi chạy “nước rút” hoàn thành công trình Trung tâm Hội nghị của tỉnh, riêng công nhân kỹ thuật luôn đảm bảo 300 người làm việc 3 ca/ngày; giải ngân hiện đạt 228,2/317,9 tỷ đồng.
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải nhấn mạnh: “Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt cao so bình quân chung cả nước, đứng thứ 2 khu vực miền Trung và thứ 22 trên cả nước (riêng vốn ODA giải ngân đứng thứ 2 cả nước). Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút do ảnh hưởng dịch Covid-19 thì việc giải ngân nguồn lực đầu tư công góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, tạo việc làm cho người dân và DN, tạo sự lan tỏa đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về dài hạn, nguồn vốn đầu tư công dồn vào các dự án hạ tầng, công trình giao thông trọng điểm tạo động lực phát triển, đẩy nhanh thu hút đầu tư”.
Điều chỉnh vốn dự án không đảm bảo
Dù giải ngân vốn đầu tư công đến thời điểm này của tỉnh tương đối khá, nhưng ông Nguyễn Thành Hải cũng thừa nhận những “điểm nghẽn” một số nguồn giải ngân chưa đạt yêu cầu. Một trong những nguyên nhân quan trọng là nguồn thu từ đấu giá cấp quyền sử dụng đất những tháng đầu năm suy giảm mạnh, chủ yếu ảnh hưởng của tốc độ phát triển kinh tế vĩ mô, tín dụng bất động sản bị siết chặt và suy giảm của ngành dịch vụ - du lịch do dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, kế hoạch vốn Trung ương năm 2020 đã được giao cho các chủ đầu tư thực hiện ngay đầu năm, nhưng phần lớn là dự án trọng điểm khởi công mới với hơn 1.013 tỷ đồng. Nhưng, đến đầu tháng 6, Chính phủ mới có quyết định giao bổ sung kế hoạch trung hạn vốn Trung ương giai đoạn 2016 - 2020, khiến việc giải ngân vốn Trung ương chưa cao.
Trước tình hình này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng yêu cầu, đối với vốn ngân sách tỉnh kéo dài năm 2019 sang năm 2020, đến 30.9.2020, chủ đầu tư nào chưa giải ngân hết kế hoạch vốn giao sẽ điều chỉnh giảm kế hoạch vốn (không bố trí lại). Những dự án giải ngân vốn ngân sách tỉnh năm 2020 dưới 60% cũng sẽ rà soát điều chỉnh sang cho các dự án quan trọng, cấp bách, kể cả cắt vốn từ chủ đầu tư này sang chủ đầu tư khác. Riêng dự án sử dụng vốn Trung ương được giao kế hoạch vốn năm 2020, chủ đầu tư phải tập trung ưu tiên giải ngân đảm bảo đến 30.9.2020 giải ngân tối thiểu 60% kế hoạch vốn đã giao.
MAI HOÀNG