“Một chiến dịch ở Bắc kỳ” & những tư liệu quý
Tác giả cuốn sách Một chiến dịch ở Bắc kỳ (Une campagne au Tonkin) là Charles Édouard Hocquard, một bác sĩ quân y của quân đội Pháp ở Đông Dương. Sách dày 605 trang (khổ 24 x 16 cm), với 23 chương, do Nhà xuất bản Đà Nẵng phối hợp với Alpha Books vừa ấn hành.
Charles-Édouard Hocquard là một bác sĩ quân y đồng thời là một nhiếp ảnh gia, không trực tiếp tham chiến. Có lẽ vì vậy, trong sách C.E Hocquard chỉ điểm qua các chiến dịch quân sự, gần như không đi vào chi tiết. Ngược lại, với góc nhìn của một người yêu nhiếp ảnh, ông đã ghi lại những những hình ảnh chân thực, sống động những nơi ông đặt chân đến, những người ông có dịp gặp gỡ, trò chuyện… Hành trình của Charles-Édouard Hocquard ghi dấu nhiều tỉnh thành, từ vùng châu thổ đến các bản làng miền núi, thị trấn đồng bằng; từ các con lộ đến đường mòn, các lối dọc ven sông; từ đồi trọc đến những cánh đồng lúa bát ngát.
Đáng lưu ý, Một chiến dịch ở Bắc kỳ giới thiệu 225 bức ảnh về cuộc sống sinh động của người dân Bắc kỳ lúc bấy giờ. Và thực tế trong sách, hình ảnh con người trong bối cảnh cuộc sống mà họ gắn bó chiếm vị trí trung tâm. Cụ thể, trong số 225 ảnh trong sách thì có hơn 40% số lượng ảnh chụp người, gồm: Những nhạc công, cô bán hàng chợ, người bán thịt rong, thợ khảm, thợ cạo, thợ cày, cô bán than, ông lão mù, người nông dân xay lúa, thợ gốm, thợ rèn, đốc học, trưởng làng, sĩ quan Pháp, tù nhân, thổ phỉ, lính khố đỏ... Đồng thời, bên cạnh những bức ảnh về đời sống lao động của người dân và những chân dung cá nhân, Charles-Édouard Hocquard còn dành một phần không nhỏ cho các nghi thức tôn giáo và tập tục (đám ma, thờ cúng tổ tiên...), những hoạt động giải trí (trò chơi, âm nhạc...)…
Đặc biệt, mặc dù tên sách là Một chiến dịch ở Bắc kỳ nhưng giá trị sử liệu và phạm vi ghi nhận của nội dung, hình ảnh về con người, xã hội và phong tục còn có cả một phần Trung kỳ; nó giúp bạn đọc hình dung khá rõ con người và cuộc sống của một vùng không gian rộng lớn thuộc Việt Nam vào một giai đoạn lịch sử khá dài mà tác giả đã chứng kiến, trải nghiệm từ năm 1884 đến năm 1886.
VIẾT HIỀN