ASEAN và 6 đối tác sẽ sớm khôi phục cơ chế thương mại đa phương
Sáng 23.6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) giữa kỳ lần thứ 10. Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, cho đến thời điểm này, cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn cầu vẫn đang tiếp diễn. Đại dịch này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế của những quốc gia phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong mỗi thách thức đều tồn tại những cơ hội và điều quan trọng là các quốc gia RCEP cần phải tận dụng tốt những cơ hội đó để đẩy mạnh mục tiêu khôi phục kinh tế cũng như lấy lại vị thế trung tâm đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, giờ là thời điểm quan trọng để các quốc gia RCEP thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư và việc ký kết Hiệp định RCEP sẽ gửi một tín hiệu tích cực tới thế giới về tinh thần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn về dịch bệnh và kinh tế của các quốc gia trong khu vực.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, các quốc gia RCEP vẫn tiến hành nhiều cuộc họp trực tuyến nhằm duy trì động lực cho các cuộc đàm phán cũng như khuyến khích sự tham gia tích cực hơn nữa của Ấn Độ với tiến trình này.
Trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các quốc gia nhận thức được tầm quan trọng của việc sớm hoàn tất Hiệp định RCEP ngay trong năm nay và bày tỏ hy vọng, các đại biểu sẽ có được những cuộc thảo luận tích cực.
Các đại biểu tham gia họp trực tuyến.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yoo Myung-hee cũng cho rằng, Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng đến đời sống và cả tính mạng của người dân cũng như hệ thống thương mại đa phương trên toàn cầu. Hội nghị RCEP lần này sẽ là cơ hội để các quốc gia khẳng định sẽ sớm vượt qua dịch bệnh lần này và khôi phục cơ chế thương mại đa phương vốn đã bị tổn hại vì Covid-19.
Việc ký kết được RCEP trong năm nay sẽ trở thành động lực quan trọng cho khu vực và trên toàn thế giới trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. RCEP cũng sẽ trở thành nền tảng cơ bản để các quốc gia hợp tác chung tay ứng phó và đẩy lùi đại dịch Covid-19 cũng như khôi phục kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Hiệp định RCEP được khởi động vào tháng 11.2012 tại Phnom Penh (Campuchia) như một sáng kiến của ASEAN nhằm khuyến khích thương mại giữa các quốc gia thành viên và sáu quốc gia đối tác gồm: Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc - đều đã có các hiệp định thương mại tự do độc lập với ASEAN.
Trải qua nhiều vòng đàm phán kể từ năm 2012 giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 6 đối tác đối thoại, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) được đánh giá là FTA lớn nhất thế giới bởi bao trùm một thị trường khổng lồ có quy mô gần 25.000 tỷ USD và hơn 2,3 tỷ người.
Việc cùng tham gia RCEP sẽ thúc đẩy thương mại trong toàn nhóm bằng cách giảm thuế, chuẩn hóa các quy tắc và thủ tục hải quan và mở rộng tiếp cận thị trường, nhất là giữa các quốc gia không có thỏa thuận thương mại hiện có. Ngay từ trước khi bắt đầu đàm phán, tất cả các nước đã thống nhất mục tiêu đạt được một hiệp định thương mại tự do toàn diện, chất lượng cao và đem lại lợi ích cho tất cả các bên.
Khi RCEP được thực thi sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu. Đặc biệt, qua đó sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại.
Theo Trần Khánh (VOV.VN)