Việt Nam: Điểm đến hàng đầu của dòng vốn FDI mới
Hơn 30 năm mở cửa, Việt Nam đã chứng tỏ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Sự hiện diện của các doanh nghiệp FDI đã góp phần rất lớn tới phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đến tháng 3.2020, Việt Nam có 31.665 dự án FDI với vốn đăng ký 370,1 tỷ USD, vốn thực hiện 215,6 tỷ USD.Vốn FDI tại địa phương, TP Hồ Chí Minh 47,5 tỷ USD, Hà Nội 34,64 tỷ USD chiếm 9,4%, Bình Dương 34,61 tỷ USD.
Với các địa phương thu hút FDI thành công, giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trao đổi: “Các địa phương mà có nguồn thu ngân sách dồi dào, chẳng những trang trải được các khoản chi của địa phương mà còn đóng góp rất đáng kể ngày càng tăng vào thu ngân sách quốc gia”.
Trong 33 năm, bình quân FDI thực hiện 25% vốn đầu tư xã hội. Khu vực FDI đóng góp vào GDP năm 2019 là 20%, nộp ngân sách Nhà nước chiếm 20,28% thu nội địa và đóng góp vào GDP Việt Nam cao hơn 9,4 điểm % so với thế giới.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 làm thay đổi xu hướng đầu tư FDI. Nhiều nhà đầu tư có kế hoạch chuyển nhà máy về chính quốc hoặc chuyển sang nước thứ ba và Việt Nam trong sự lựa chọn hàng đầu.
“Điển hình là Apple dự tính chuyển nhà máy để sản xuất khoảng 30% tai nghe không dây từ Việt Nam xuất ra thế giới, Panasonic thì trong tháng Chín sẽ chuyển cả nhà máy từ Bangkok sang Hà Nội sản xuất máy lạnh, điều hòa không khí. Và, Thủ tướng đã khuyến khích thành lập một tổ tư vấn đặc biệt để đón nhận các nhà đầu tư mới”, giáo sư Nguyễn Mại cho biết
Nghị quyết 50-NQ/TW nêu rõ việc hoàn thể chế, chính sách ưu đãi theo hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Mục tiêu thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia, liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước.
Kế hoạch, vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 đạt 150-200 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 100-150 tỷ USD. Kế đến giai đoạn 2026-2030, vốn đăng ký là khoảng 200-300 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 150-200 tỷ USD. Và, dự báo năm 2020 tốc độ tăng vốn FDI thực hiện 8-10%, đạt 20-21 tỷ USD, chiếm 22 - 23% tổng vốn đầu tư xã hội.
Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)