Chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
Ðoàn công tác của Bộ GD&ÐT vừa có buổi làm việc tại Bình Ðịnh về việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của đoàn công tác, Bình Ðịnh là tỉnh đi đầu trong việc lên phương án, kế hoạch tổ chức kỳ thi.
Sắp tới, khoảng 18.000 thí sinh của tỉnh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Khác với mọi năm, năm nay, kỳ thi do tỉnh tự tổ chức, Bộ GD&ĐT chỉ hướng dẫn, cung cấp đề thi, thanh tra, kiểm tra.
An toàn, minh bạch là hàng đầu
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2020 tại tỉnh Bình Định. Theo đó, toàn tỉnh tổ chức 1 Hội đồng thi, trong đó có các ban để thực hiện công việc của kỳ thi. Ở các điểm đăng ký dự thi chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết như: Nơi đón tiếp thí sinh đến đăng ký, máy ảnh, máy tính, phiếu đăng ký dự thi, phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, túi hồ sơ...
Điểm thuận lợi cho thí sinh là phần lớn đều được thi tại trường THPT đang theo học.
- Trong ảnh: Thí sinh ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ lưu ý: Kỳ thi năm nay, tiêu chí an toàn, minh bạch đặt lên hàng đầu, còn chuyên môn Bộ đã hỗ trợ đến tối đa rồi, địa phương cứ đúng chức năng nhiệm vụ mà làm. Khâu sao in đề thi, coi thi rất quan trọng. Bộ không điều động giáo viên đại học về coi thi, mà tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bên cạnh ban thanh tra, kiểm tra của tỉnh. Thanh tra quan trọng là để ngăn ngừa chứ không phải để xử lý. Chúng ta phải chung tay chung sức để kỳ thi an toàn. Đồng thời, sau khi có kết quả kỳ thi, Bộ sẽ tiến hành phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp với quá trình học. Không chỉ điểm thi cần minh bạch mà trong công tác chấm điểm cho các em để ghi vào học bạ, các trường cũng cần khách quan.
Toàn tỉnh có 63 điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi, 42 điểm thi, 768 phòng thi, tổng số thành viên ban chỉ đạo là 37, số cán bộ lãnh đạo tại các điểm thi là 135 và 1.968 giáo viên tham gia coi thi.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), nhận xét: Sở GD&ĐT Bình Định rất chủ động, thực hiện đúng tiến độ. Với cơ sở vật chất, thiết bị của tỉnh, cơ bản chỉ cần rà soát chứ bổ sung không nhiều. Tuy nhiên phần in phiếu trắc nghiệm, chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, cập nhật số lượng thí sinh vắng thi phải đầy đủ, chính xác.
Ông Trần Huy Giáp, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết: Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và đã xây dựng kế hoạch từ tỉnh đến huyện để đảm bảo kỳ thi diễn ra an ninh, an toàn tuyệt đối. Qua đó góp phần cho kỳ thi năm nay diễn ra công bằng, trung thực, chính xác. Chúng tôi tham gia trực tiếp vào nhiệm vụ đảm bảo ANTT, riêng khâu in sao đề thi đã tập huấn cho cán bộ từ việc nhận đề thi gốc từ Bộ GD&ĐT, in sao, bảo vệ điểm thi, điểm chấm thi, kiểm tra các điểm photocopy tránh việc sao phao thi, kiểm tra an toàn bảo mật, PCCC… Hy vọng kỳ thi thành công tốt đẹp, các cháu đạt kết quả cao.
Hỗ trợ thí sinh
Để thuận tiện cho thí sinh, Sở GD&ĐT bố trí các điểm thi hợp lý, các thí sinh sẽ thi ngay ở nơi mình học. Riêng với các học sinh dân tộc thiểu số có nhà ở xa điểm thi, nhà trường bố trí cho các em ăn, nghỉ ngay tại trường, đảm bảo cho việc đi lại của các em trong các ngày dự thi. Học sinh học tại trường phổ thông dân tộc nội trú các huyện, nhà trường đã bố trí cho các em ăn nghỉ tại trường và có xe đưa đón. Với các thí sinh tự do thi để xét tuyển đại học, cao đẳng, tỉnh bố trí tại điểm thi ở nội thành TP Quy Nhơn để các em dễ dàng đi lại, lưu trú. Các em sẽ được các đội tình nguyện tiếp sức mùa thi của Tỉnh đoàn hỗ trợ trong việc tìm nhà trọ, tư vấn nơi ăn uống hợp lý trong những ngày dự thi.
Dù đã sắp xếp khá kỹ và thuận tiện cho thí sinh, ban chỉ đạo thi cũng đã lên phương án hỗ trợ thí sinh thật sát sao. Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Ban chỉ đạo thi của tỉnh đã đề nghị Tỉnh đoàn, các địa phương lên phương án đưa đón, lo chỗ ăn, chỗ ở miễn phí cho thí sinh khó khăn, nhà xa. Các điểm thi sẽ lập danh sách địa chỉ nhà, số điện thoại từng thí sinh để phòng ngừa khi có xảy ra sự cố thì sẽ liên lạc với thí sinh và đến tận nơi để đón các em, không để muộn giờ thi. Không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), lưu ý: Đây là năm đầu tiên cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh không thi tốt nghiệp, hoặc thi rớt tốt nghiệp. Do vậy, các trường cần chú ý bố trí cán bộ trực tại trường để cấp cho học sinh, kẻo các em đến lại không được giải quyết.
CÁC MỐC THỜI GIAN CẦN LƯU Ý:
● Ngày 15 - 30.6: Các đơn vị đăng ký dự thi thực hiện thu hồ sơ đăng ký dự thi, nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý thi, in thông tin cho học sinh rà soát, ký xác nhận. Sau ngày 30.6, thí sinh không được thay đổi điểm thi và các thông tin về bài thi đã đăng ký.
● Trước ngày 7.7: Hoàn thành việc nhập hồ sơ đăng ký dự thi.
● Ngày 20.7: Hoàn thành việc thu phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT và hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT kèm theo; nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm quản lý thi; tổ chức cho học sinh rà soát, ký xác nhận.
● Trước ngày 23.7: Các đơn vị đăng ký dự thi phải thông báo công khai những thí sinh không đủ điều kiện dự thi.
LỊCH THI VÀ BÀI THI
● Chiều 8.8: Thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót, nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi.
● Sáng 9.8: Thi môn Ngữ văn (thời gian làm bài 120 phút).
● Chiều 9.8: Thi môn Toán (thời gian làm bài 90 phút).
● Sáng 10.8: Thí sinh đăng ký thi tổ hợp nào sẽ tham gia thi tổ hợp đó (thời gian làm bài cho mỗi môn tổ hợp là 50 phút).
● Chiều 10.8: Thi môn Ngoại ngữ (thời gian làm bài 60 phút).
Riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, còn lại thi trắc nghiệm.
THẢO KHUY