“Linh tinh” quanh chữ “linh”
Linh trong một trăm linh một, hai nghìn không trăm linh chín là gì và có nguồn gốc từ đâu? Xin trả lời rằng, nó nghĩa là “lẻ” (nên mới có cách gọi tương đương một trăm lẻ một, hai nghìn không trăm lẻ chín), bắt nguồn từ chữ linh (bộ vũ, liên quan đến thời tiết nói chung) trong tiếng Hán. Linh nghĩa gốc là “mưa lác đác”, về sau phái sinh nghĩa “lác đác, thưa thớt, vụn vặt, lẻ tẻ”. Tư duy ngôn ngữ của người Việt lẫn người Hán đều xem 1 trong 101 hay 9 trong 2009 là phần lẻ của số tròn trăm, tròn nghìn nên mới có cách gọi lẻ, linh như vậy.
Chữ linh trên cũng xuất hiện trong từ linh tinh. Hẳn không ít người cho rằng linh tinh là một từ láy thuần Việt. Kì thực, nó lại là một từ ghép đẳng lập gốc Hán, trong đó, chữ tinh (bộ nhật, liên quan đến mặt trời hoặc thiên văn nói chung) có nghĩa là “ngôi sao”. Về sau, từ này được dùng để chỉ “những vật nhỏ lấm tấm hoặc lấp lánh”, rồi phái sinh thêm nghĩa “nhỏ, vụn”. Như vậy, linh và tinh là hai yếu tố gần nghĩa và nghĩa ban đầu của linh tinh là “lẻ tẻ, vụn vặt”.
Trong tiếng Việt còn có một hình vị linh gốc Hán khác. Linh này cũng thuộc bộ vũ, có các nghĩa “tinh anh, linh thiêng, thần linh”, xuất hiện trong nhiều từ như: linh lợi, linh mục, linh nghiệm, linh ứng… Ở Bình Định có địa danh Linh Phong tự (tên chữ của chùa Ông Núi). Phong trong địa danh này thuộc bộ sơn (liên quan đến núi), nghĩa là “đỉnh núi”. Linh phong có thể hiểu là “đỉnh non thiêng”.
Tiếng Việt có một từ gần nghĩa với linh thiêng là thiêng liêng. Liêng ở đây chính là biến âm của chữ linh. Mối quan hệ -inh ~ -iêng ta còn gặp trong nhiều trường hợp như [đôi] kính ~ [cặp] kiếng, [cúng] kính ~ [cúng] kiếng, [thưa] trình ~ chiềng [làng chiềng chạ]…
Cũng cần nói thêm, linh đình trong tiệc tùng linh đình không phải là từ láy và cũng chẳng liên quan gì đến ngôi đình cả. Nó là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn từ hai chữ linh đình đều thuộc bộ vũ. Đình có nghĩa “sấm sét đùng đùng”. Linh đình nghĩa là “lớn lao rầm rộ”.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ