Không để dịch tả heo châu Phi phát sinh, lây lan
Sau một thời gian tạm lắng, đầu tháng 6.2020, dịch tả heo châu Phi đã phát sinh trên đàn heo của một hộ ở huyện Hoài Ân. Trước tình hình trên, ngành chức năng, chính quyền và người chăn nuôi đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh thêm, bảo vệ đàn heo.
Ổ dịch tả heo châu Phi (DTH) phát sinh trên đàn heo của 80 con của hộ ông Bùi Long Xuân, ở thôn Vĩnh Đức, xã Ân Tín. Ông Xuân đã mua heo giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ về nuôi, đến khi đàn heo có triệu chứng của DTH thì mới báo cáo.
Ông Nguyễn Thanh Vương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, cho biết: “Chúng tôi đã huy động lực lượng thú y khoanh vùng, khử độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi và tiến hành tiêu hủy đàn heo. Hiện ổ dịch nói trên đã được bao vây, khống chế. Trung tâm cũng đã lấy mẫu máu đàn heo của các hộ chăn nuôi gần đó để xét nghiệm. Đến giờ, tất cả các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với DTH”.
Lực lượng Thú y huyện Hoài Ân kiểm tra, giám sát đàn heo tại một điểm tập kết heo ở xã Ân Đức trước khi vận chuyển ra ngoài huyện.
Ý thức được mức độ nguy hiểm và các tác hại của DTH, nhằm bảo vệ đàn heo của mình, những ngày qua, các chủ trang trại, hộ chăn nuôi tăng cường các phòng ngừa dịch bệnh. Ông Thái Văn Hiếu, chủ trang trại chăn nuôi heo ở thôn Vạn Hội 1, xã Ân Tín, cho hay: “DTH rất khó tiên lượng được diễn biến, tốc độ lây lan, lại chưa có thuốc đặc trị, nên rất nguy hiểm. Để bảo vệ đàn heo, tôi thường xuyên phun thuốc, rắc vôi, khử độc sát trùng chuồng trại. Tôi tự sản xuất con giống để nuôi heo thịt, mua các loại vắc xin về tiêm phòng và bổ sung thức ăn có nhiều chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho heo”.
Cũng lo lắng dịch bệnh phát sinh, ông Đào Xuân Vy, chủ trang trại chăn nuôi 200 con heo ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức, đã rắc vôi trước cổng trang trại và hạn chế tối đa người, phương tiện ra vào. Ông Vy cho hay: “Đàn heo là tài sản rất lớn, nên tôi đầu tư chăm sóc rất chu đáo. Tất cả đều được tiêm các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, như: Dịch tả, tai xanh, lở mồm long móng, tụ huyết trùng. Nhưng DTH thì chưa có vắc xin, chưa có thuốc đặc trị nên tôi rất lo”.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Để ngăn ngừa DTH lây lan, huyện phân công cán bộ thú y ở cơ sở cùng các trưởng thôn kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn heo tại địa phương. Huyện cũng đã phân bổ thêm cho các xã 536 lít thuốc thú y, 12.700 kg vôi bột để khử độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi. Hàng nghìn liều vắc xin lở mồm long móng, dịch tả... do tỉnh, huyện hỗ trợ cũng đã được người dân sử dụng để tiêm phòng dịch bệnh cho đàn heo. Hiện các hoạt động mua bán, vận chuyển và giết mổ heo tại địa phương cũng đã được huyện kiểm tra, kiểm soát hết sức chặt chẽ.
Những ngày qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác phòng chống DTH. Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), cho hay: “Vi rút gây DTH phát tán rất nhanh qua không khí, hơn nữa, thời tiết hiện đang nắng nóng, sức đề kháng của vật nuôi giảm, khả năng nhiễm bệnh tăng cao. Đáng lo ngại là một số hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ thấy heo có triệu chứng bị nhiễm bệnh không báo cáo với ngành chức năng và chính quyền địa phương mà đã lẳng lặng xẻ thịt hoặc tự xử lý, điều này càng làm tăng nguy cơ tái phát, lây lan DTH. Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng, cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, chúng tôi đề nghị chính quyền các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa; các hộ chăn nuôi cũng cần nghiêm túc chấp hành các quy định an toàn trong chăn nuôi”.
Ngày 23.6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: UBND tỉnh đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTH tái phát. Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở ngành tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh tăng cường thanh kiểm tra các hoạt động phòng chống DTH tại các địa phương. Bên cạnh đó, vận động người dân phun thuốc khử độc sát trùng chuồng trại, tiêm vắc xin phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm cho đàn heo. Ngành chức năng và chính quyền các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển heo trong tỉnh và lượng heo ra vào tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch thú y, không rõ nguồn gốc.
PHẠM TIẾN SỸ