Tìm giải pháp “hạ nhiệt” khiếu kiện về đất đai
Năm năm trở lại đây, các vụ khiếu kiện dân sự, hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai ngày càng tăng, gây nhiều áp lực, khó khăn cho các cơ quan tố tụng. Ðiều này đòi hỏi chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan có giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Khiếu kiện về đất đai tăng cao
Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2015 - 2019, số vụ khiếu kiện về đất đai tại tòa án ngày càng tăng, chiếm trên 80% tổng số đơn thư khiếu kiện hành chính. Cụ thể, tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý 2.980 vụ (dân sự 2.666 vụ, hành chính 314 vụ), đã giải quyết 2.425 vụ, đang giải quyết 555 vụ. Nội dung khiếu kiện chủ yếu về quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực thu hồi đất; giải phóng mặt bằng; bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC); cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); tranh chấp đất đai…
Công trình Tuyến T2 và khu dân cư phía Đông chợ Phù Mỹ (thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) xảy ra nhiều sai phạm trong xác lập hồ sơ bồi thường, khiến người dân bức xúc, khiếu kiện nhiều nơi.
Ông Nguyễn Thanh Trà, Phó Chánh án TAND tỉnh, nhìn nhận: “Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án, công trình về giao thông và các khu du lịch, giải trí; khu, cụm công nghiệp. Đi cùng với đó là công tác giải tỏa, đền bù, TĐC nên việc khiếu nại, khởi kiện cơ quan hành chính trong lĩnh vực đất đai là điều khó tránh khỏi. Số lượng các vụ án hành chính, dân sự liên quan đến đất đai tăng đáng kể qua các năm và thường là những vụ kiện rất khó, gây áp lực lớn cho công tác giải quyết của cơ quan tiến hành tố tụng”.
Ông Trần Kỳ Quang, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cũng cho biết: Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai còn một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại. Đơn cử, hiện mới có 5 địa phương gồm huyện Tuy Phước, Phù Cát, Tây Sơn, Phù Mỹ, An Lão có bản đồ địa chính chính quy. 6 địa phương còn lại là TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn và huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Vân Canh chưa đo đạc bản đồ hoặc đo đạc đã lâu, bản đồ biến động trên 40%.
Bên cạnh đó, công tác đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ thời kỳ trước đây chưa kịp thời cập nhật, chỉnh lý biến động nên hồ sơ không thống nhất. Một số địa phương còn hạn chế, thiếu sót, thiếu chặt chẽ trong quy trình lập thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, TĐC; xử lý vi phạm hành chính; giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai.
Tăng cường công tác quản lý
Theo Viện KSND tỉnh, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước về đất đai thường có các dạng vi phạm như: Lý do thu hồi đất không có căn cứ; quyết định thu hồi đất không đúng diện tích đất bị thu hồi; lập khống hồ sơ bồi thường chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Không cấp sổ đỏ theo quy định pháp luật; cấp sổ đỏ trùng thửa đất đã cấp; cấp sổ đỏ không đúng diện tích. Vi phạm thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, giải quyết tranh chấp đất đai; áp dụng căn cứ pháp luật khi giải quyết khiếu nại không đúng…
“Sở TN&MT, Văn phòng Ðăng ký đất đai tỉnh và UBND cấp huyện cần tổ chức rút kinh nghiệm về các sai sót liên quan đến công tác quản lý hành chính nhà nước về đất đai. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại của người dân liên quan đến đất đai. Khi có khiếu nại cần quan tâm xem xét, giải quyết kịp thời, đúng trình tự, thủ tục; nhất là tăng cường công tác hòa giải, đối thoại. Hạn chế thấp nhất những mâu thuẫn, bất đồng; giúp người dân hiểu rõ quyền lợi của họ để chấp hành đúng quy định pháp luật”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang phân tích: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do hệ thống pháp luật về đất đai hiện nay chưa hoàn thiện, còn mâu thuẫn và không đồng bộ; gây khó khăn cho việc vận dụng trong thực tiễn. Tại một số địa phương, công tác quản lý đất đai chưa thật sự chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng lấn chiếm, tranh chấp; việc kiểm tra, giám sát thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai của cấp huyện, xã còn hạn chế. Việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất, cấp sổ đỏ còn xảy ra sai sót, không đúng quy định của pháp luật. Việc định giá, xác định diện tích, loại đất; xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC làm chưa tốt; dẫn đến công dân không chấp nhận, phát sinh khiếu nại đòi quyền lợi”.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý đất đai, hạn chế khiếu nại, khiếu kiện, ông Trần Văn Sang đề xuất giải pháp: UBND tỉnh và UBND cấp huyện khắc phục những hạn chế, sai sót trong việc ban hành các quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính liên quan đến đất đai. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo; kịp thời phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết các vụ khiếu kiện phức tạp. Đặc biệt, UBND tỉnh và Viện KSND tỉnh sớm ký quy chế phối hợp để nâng cao hiệu quả giải quyết các khiếu kiện, tranh chấp đất đai.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân, đặc biệt là các quy định liên quan đến đất đai, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, TĐC… để người dân hiểu rõ và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
VĂN LỰC