Ðòn khiêng võng của Lê Ðại Cang
Lê Đại Cang (1771 - 1847) quê ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Không chỉ là một vị quan lớn, có nhiều đóng góp to lớn đối với đất nước khi tham chính dưới triều nhà Nguyễn, trong ký ức của nhân dân, Lê Đại Cang là vị quan chính trực, một nhân cách lỗi lạc. Dầu vậy, cuộc đời ông cũng lắm thăng trầm khi nhiều lần thăng quan, có thời gian ông làm đến chức tổng đốc, nhưng cũng không ít lần chịu tội, trong đó tới 2 lần phải làm lính khiêng võng. Nhưng dù vậy, ông vẫn không ngừng cống hiến cho đất nước. Chiếc đòn khiêng võng của ông hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Bình Định - vốn là vật lưu niệm quý báu thuộc từ đường của gia tộc họ Lê ở Luật Chánh tặng lại - là một minh chứng cho những câu chuyện đẹp về Lê Đại Cang.
Tượng Lê Đại Cang và chiếc đòn khiêng võng nổi tiếng đang được trưng bày tại Bảo tàng Bình Định. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH PHƯƠNG
40 năm làm quan (1802 - 1842) và trải qua 3 đời vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Lê Đại Cang làm nhiệm vụ ở khắp mọi miền đất nước, trên nhiều lĩnh vực như: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao. Ở lĩnh vực nào ông cũng chứng tỏ cái tâm và tầm của mình khi có nhiều đóng góp đáng quý trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Sau khi đã tận tâm, tận lực, 72 tuổi ông cáo lão về quê. Tại đây, ông khôi phục từ đường họ Lê, lập ra chùa Giác Am, lập Văn chỉ Tuy Phước là nơi hội tụ nhân sĩ, trí thức Tuy Phước, Quy Nhơn, cùng chăm lo khuyến học, khuyến tài ở quê hương.
Với nhân cách của bậc quốc sĩ, ông không chỉ là niềm tự hào của bao người mà còn là cảm hứng cho những tác phẩm văn chương, sân khấu. Năm 2018, Nhà hát tuồng Đào Tấn đã xây dựng thành công vở tuồng Quan khiêng võng (tác giả kịch bản: Văn Trọng Hùng, chuyển thể: Đoàn Thanh Tâm, đạo diễn: NSND Lê Tiến Thọ). Theo tác giả chuyển thể Đoàn Thanh Tâm, xuyên suốt vở diễn là hình ảnh đòn khiêng võng, khiêng võng ở đây là khiêng, là gánh trách nhiệm giang sơn trên vai. Vở tuồng không chỉ thể hiện niềm tự hào mà còn góp phần giúp người xem hiểu hơn bậc quốc sĩ của quê hương.
Có một điểm thú vị xin kể hầu bạn đọc. Trong đời làm quan của mình, Lê Đại Cang đã chỉ huy đào sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam, đắp đê sông Hồng mới, giải oan và trừng phạt nhiều quan lại tham nhũng ở Hà Nội và vùng phụ cận; xây mới thành An Giang, chấn chỉnh quân đội, huấn luyện binh sĩ; khai mở đường thủy từ sông Tiền ở Tân Thành thẳng đến sông Hậu ở Châu Đốc… Do nhiều năm liền, chúng ta chưa đánh giá đầy đủ được cống hiến của Lê Đại Cang với dân tộc, đất nước nên nhân dân chưa biết nhiều đến ông. Bởi vậy, mấy năm gần đây, khi về Bình Định, nghe kể về sự nghiệp công chính của Lê Đại Cang, nhiều đoàn du khách khắp Bắc - Trung - Nam đã đề nghị bổ sung hai điểm đến là Bảo tàng Bình Định và mộ Lê Đại Cang vào tour. Những điều thú vị về nhân cách của một bậc quốc sĩ như Lê Đại Cang xứng đáng được lan tỏa rộng khắp.
THẢO YÊN