Nghiệm thu đề tài nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng và phân tử bệnh tay chân miệng
(BĐ) - Sáng 27.6, Sở KH&CN tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN cấp tỉnh “Nghiên cứu dịch tễ học lâm sàng và phân tử bệnh tay chân miệng tại một số điểm ở tỉnh Bình Định”, do TS Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bộ Y tế) làm chủ nhiệm. TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN chủ trì.
TS Vũ Tuấn Anh báo cáo đề tài trước Hội đồng.
Mục tiêu đề tài nhằm đánh giá một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng bệnh tay- chân - miệng (TCM) tại các điểm nghiên cứu từ năm 2017-2019; xác định tỷ lệ nhiễm Enterovirus 71, Coxsackie A16 và các Enterovirus CA khác bằng kỹ thuật sinh học phân tử và một số yếu tố liên quan bệnh TCM tại các điểm nghiên cứu từ năm 2017-2019.
Trong thời gian 2 năm thực nghiệm, được tiến hành trên 311 bệnh nhân TCM tại Bình Định, nghiên cứu đã rút ra kết luận: tỷ lệ nhiễm TCM cao nhất ở trẻ em từ 13 - 24 tháng tuổi, nam nhiều hơn nữ; số ca mắc tăng ở các tháng 4-5 và 9-10, nguồn lây nhiễm phát tán trong cộng đồng là chủ yếu; triệu chứng gặp nhiều nhất là phát ban dạng bọng nước, loét miệng, vị trí ban nhiều nhất ở bàn tay. Trong số các chủng vi-rút, chủng CA6 chiếm cao nhất, tiếp đến EV 71, CA 10, CA 2 và CA 16. Không có sự liên quan giữa các yếu tố tuổi, giới, địa dư, thời điểm mắc bệnh với mức độ nặng hay nhẹ của bệnh TCM...
Hội đồng đánh giá đề tài có ý nghĩa khoa học thực tiễn, xây dựng được bản đồ dịch tễ học phục vụ cho công tác tra cứu, từ đó giúp phát hiện bệnh sớm hơn, song cũng có nhiều vấn đề cần được hoàn thiện hơn. Hội đồng nhất trí đánh giá nghiệm thu kết quả của đề tài và xếp loại Đạt.
HỒNG HÀ