Gia tăng người mắc bệnh do nắng nóng gay gắt
Trước tình hình nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở Bắc bộ và Trung bộ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân, Bộ Y tế đã có cảnh báo chỉ rõ, thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em, dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa.
Thời tiết nắng nóng cũng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn, là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa. Cùng với đó, khi chống nóng bằng biện pháp mở quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp sẽ dễ bị nhiễm lạnh, viêm phổi…
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau: Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng; uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol, nhưng không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng; không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người; thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể; tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng - đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
PGS-TS Nguyễn Văn Chi (Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những ngày nắng nóng kéo dài gần đây, bệnh nhân mắc bệnh lý về tim mạch và đột quỵ, say nắng, sốc nhiệt... tăng đột biến. Đặc biệt, mới đây, khoa có tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nam 40 tuổi, đang làm việc trên cánh đồng thì rơi vào tình trạng mệt lả, sốt cao, đau đầu, buồn nôn, choáng váng. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê, không tiếp xúc được, sốt trên 41oC, mất nước nghiêm trọng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiệt do làm việc dưới nhiệt độ cao trong thời gian dài. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, nếu phải làm việc lâu ở ngoài trời, người dân cần cố gắng tránh thời điểm từ 11 giờ đến 15 giờ, vì đây là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất. Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn khi làm việc ngoài trời và đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước.
Theo MINH KHANG (SGGP)