Ðiều không thể
Truyện ngắn của TRẦN HOÀNG MAI
Sáng thức dậy, Thùy đói bụng nhưng không biết ăn gì, phở - chán, bún - chán, mì quảng cũng chán. Nghĩ một lúc, quyết định ăn xôi. Chạy đến ngã tư có bà bán xôi góc đường với đủ loại xôi, xôi nào cũng ngon, Thùy dừng xe đợi. Bỗng đập vào mắt Thùy hình ảnh cô con gái bà bán xôi xinh và rất khéo miệng mời khách: “Chị chờ mẹ em xíu nha. Xôi mẹ em ngon lắm….”. Cứ thế, cô bé ríu rít hết đưa xôi cho người này, thối tiền cho người kia và mời mọc người nọ. Thùy bất giác nhớ đến mẹ. Ngày còn sống, mẹ Thùy cũng là bà bán xôi như mẹ cô bé này, cũng có hàng xôi ngon đông khách nhưng Thùy ít khi ra phụ mẹ. Vì không thích nhiều người biết là con bà bán xôi nên bao giờ Thùy cũng bịt khẩu trang kín mít, ngơi khách là Thùy chuồn ngay để mình mẹ loay hoay.
Mẹ chấp nhận làm mẹ đơn thân nên Thùy không biết mặt bố. Gánh xôi của mẹ nuôi Thùy lớn ngày càng phổng phao, chắc giống bố nên Thùy được liệt vào hàng gái xinh trong xóm, không ít người nhòm ngó ngay cả khi chưa đến tuổi dậy thì. Vài người trong xóm còn bảo “đi thi hoa hậu có kém cũng được á hậu”. Vì vậy Thùy luôn oán giận số phận khi phải sống trong gia cảnh nghèo, có mẹ bán xôi không danh giá. Trông vẻ bề ngoài, lũ bạn cứ tưởng là Thùy thuộc hàng lá ngọc cành vàng vì dáng dấp sang trọng đài các. Chính vì vậy, khi đi đại học, Thùy dấu nhẹm gia cảnh của mình.
Cuộc sống sinh viên cũng không phải ai cũng có điều kiện, không ít bạn sinh viên chọn xôi làm điểm tâm dài hạn vì vừa rẻ, vừa chắc bụng, no lâu. Nhiều người trong xóm khuyên mẹ Thùy đem gánh xôi đến trước cổng trường đại học mà bán biết đâu đắt hàng. Nghe thuận tai, mẹ Thùy cũng định làm theo nhưng Thùy thì giãy nảy lên, không cho mẹ bán. Mẹ nói thiệt hơn, Thùy không đồng ý. Mẹ năn nỉ, Thùy nổi cáu và xui xẻo thế nào có hôm ế quá, mẹ đánh liều đem đến cổng trường nơi Thùy học để bán, 15 phút sau hết bay gánh xôi. Xếp dọn đồ đạc chuẩn bị ra về thì gặp Thùy đi vào cổng, mẹ mừng quá buột miệng gọi “Thùy ơi”. Nghe tiếng gọi, Thùy quay lại, nhận ra mẹ trong tình cảnh không bao giờ ngờ tới, thoáng chút bối rối, sau đó Thùy xem như không quen biết mẹ, thản nhiên đi vào trường. Mọi người xung quanh không ai hiểu điều gì, họ cũng chẳng có thời gian để ý đến mẹ con Thùy và họ cũng không biết Thùy là con người bán xôi trước cổng trường. Từng tốp người cứ qua đi, Thùy cứ đi vào trường, để lại trước cổng trường người mẹ tội nghiệp đứng nhìn theo bóng con mà không thốt lên thêm lời nào nữa.
Sau hôm ấy, Thùy giận mẹ cả tuần liền, không nói chuyện, không hỏi han và thường xuyên cáu gắt. Thùy dường như không để ý, trên khuôn mặt khắc khổ của mẹ có thêm nét buồn, ánh mắt mẹ có thêm một ánh nhìn sâu thẳm mà chỉ có mẹ mới hiểu.
Sau lần ấy, không bao giờ mẹ đến bán trước cổng trường Thùy học nữa, những hôm bán ế, mẹ gánh rong đi nhiều giờ liền, hết con hẻm này đến xóm khác khi nào hết xôi mẹ mới về. Hàng ngày bữa cơm của Thùy vẫn đầy đủ những món Thùy thích, tiền học phí Thùy vẫn nhận đều đều từ bàn tay lam lũ của mẹ gom góp từ gánh xôi. Quần áo Thùy vẫn là những bộ quần áo được mua từ những đồng tiền mẹ chắt bóp, dành dụm mỗi ngày. Giấu đi gia cảnh những mong tìm được tấm chồng giàu có nhưng Thùy vẫn ế. Thùy đổ lỗi cho gia cảnh, vì xuất thân nghèo hèn, vì có bà mẹ bán xôi nên không trai nào thèm để ý dẫu Thùy xinh xắn. Thủy - bạn thân của Thùy từng nói, Thùy ế không phải vì nghèo hèn mà vì tính Thùy kén cá, chọn canh, hay bắt người khác phải theo ý mình, điều quan trọng nhất là không người đàn ông nào muốn lấy một người vợ xem thường nghề nghiệp của mẹ mình, chối bỏ gốc gác của mình và luôn cho mình cái quyền được phán xét người khác. Những lời nhận xét chối tai ấy làm Thùy nghỉ chơi với Thủy. Tuy không còn muốn làm bạn của nhau nhưng thỉnh thoảng lời Thủy nói cũng làm Thùy suy nghĩ, xong, Thùy lại tặc lưỡi cho qua vì không thấy mình sai, chỉ thấy bạn quá đáng khi nhận xét về mình như vậy.
Những suy nghĩ cứ dắt dây như thế, hết chuyện này đến chuyện khác khiến Thùy quên cả việc mình đang chờ mua xôi. Tiếng cô bé con bà bán xôi gọi: “Chị ơi, chị ơi, chị gì ơi, xôi của chị đây, cho em xin 15.000” khiến Thùy giật mình như bừng tỉnh khỏi cơn mơ. Trả tiền xong, chưa kịp quay xe, Thùy lại nghe tiếng cô bé: “Mẹ ơi, còn khoảng 7 gói xôi này mẹ gói lại, con đem vào trường bán cho lũ bạn con là hết ngay. Mẹ về nghỉ đi, con cũng về đi học đây”. Thấy cô bé tầm tuổi sinh viên, Thùy buột mồm hỏi: “Em học trường nào?”. “Dạ em học trường……”. Tai Thùy ù đi, đó là ngôi trường mà trước đây Thùy từng học, từng không cho mẹ bán xôi trước cổng trường vì xấu hổ. Nước mắt trào ra, Thùy phóng như bay về nhà, chạy đến trước bàn thờ mẹ, khóc như mưa, như chưa bao giờ được khóc. Thùy muốn nói với mẹ câu xin lỗi muộn màng nhưng dường như bây giờ, mọi việc đều không thể, mẹ đã không còn để nghe lời hối lỗi của Thùy. Mẹ ra đi nhưng vẫn mang trong lòng nỗi buồn chẳng thể nói với con. Gói xôi vẫn cầm trong tay và nước mắt lã chã rơi, ướt nhẹp cả gói xôi vừa mua.