Nhiễm khuẩn đường hô hấp thường gặp trong mùa hè
Mùa hè thời tiết nóng ẩm, thuận lợi cho vi rút, vi khuẩn phát triển và truyền bệnh; làm cho cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, mất nước, sức đề kháng suy giảm, khiến bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp càng tăng cao.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng Khoa Nhi (BVĐK tỉnh), cho biết: “Nhiễm khuẩn hô hấp trên không chỉ chiếm tỉ lệ cao mà còn hay tái phát có khi tới 4 - 5 lần trong 1 năm, càng nhỏ tuổi thì tần suất mắc bệnh càng cao. Bệnh này đa phần nhẹ, có thể tự khỏi, tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời và chăm sóc chu đáo có thể chuyển thành nặng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm”.
Viêm đường hô hấp trên có hai thể: Viêm cấp tính và viêm mạn tính. Đối với viêm cấp tính thì chỉ cần tăng cường vệ sinh mũi họng như: Súc họng, rửa mũi, khí dung mũi họng kết hợp uống vitamin, nhất là vitamin C; ăn nhiều rau quả tươi; có thể dùng kháng sinh tại chỗ. Tuy nhiên, bác sĩ Dũng nhắc nhở, nếu tình trạng bệnh nhân sốt cao, mệt mỏi, các triệu chứng tại chỗ nặng nề hơn, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng kháng sinh…
Viêm đường hô hấp trên mạn tính thì không dùng kháng sinh, chủ yếu là chăm sóc tại chỗ như: Rửa hút mũi, khí dung, sử dụng thuốc điều trị nếu viêm tai tiết dịch; tìm nguyên nhân để giải quyết như: cắt amidal, nạo VA, phẫu thuật giải quyết các dị hình ở vách ngăn, hốc mũi…
“Có nhiều biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả trong việc dự phòng bệnh như: “Giữ ấm khi thời tiết thay đổi, chú ý giữ ấm vùng cổ; đảm bảo môi trường thoáng mát về mùa hè, tránh ẩm, mốc, gió lùa; tránh tiếp xúc với khói, bụi, khói thuốc lá; đeo khẩu trang khi đi ngoài đường, khi tiếp xúc với khói, bụi; rửa mũi thường xuyên bằng nước muối…”, bác sĩ Dũng lưu ý.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)