Phòng bệnh bạch hầu: Tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất
Chỉ thời gian ngắn, bệnh bạch hầu tái xuất hiện tại một số tỉnh, thành phố trong nước, đáng chú ý là chùm ca bệnh 12 ca mắc, 1 bé gái đã tử vong ở tỉnh Ðắk Nông và nhiều trường hợp liên quan đang phải cách ly, theo dõi, khiến người dân không khỏi lo lắng. Th.S Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khẳng định, bạch hầu có kháng sinh đặc trị và tiêm chủng đầy đủ là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
● Thưa ông, bạch hầu là bệnh hiếm gặp nhưng đang liên tiếp xuất hiện tại Đắk Nông; vậy tình hình tại Bình Định như thế nào?
- Tại nước ta, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc xin bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là thành phố có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào tháng 8, 9, 10. Việc thực hiện tốt tiêm vắc xin bạch hầu đã giảm tỷ lệ mắc bệnh từ 3,95/100.000 dân năm 1985 xuống 0,14/100.000 dân năm 2000 và hiện chỉ còn rải rác một số nơi.
Tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ và đúng lịch để phòng bệnh bạch hầu cho trẻ.
Tương tự tại Bình Định, từ năm 1984 trở về trước, bạch hầu là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến ở trẻ em. Sau khi triển khai tiêm chủng mở rộng, số mắc giảm dần; từ 1991 đến nay không còn ghi nhận ca bệnh dù một số tỉnh trong khu vực như: Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Nông... vẫn tái xuất hiện ổ dịch trong những năm gần đây.
● Nguyên nhân nào khiến bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại? Hiện một số địa phương lân cận đã có ca bệnh, liệu có làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tại tỉnh ta?
- Một số vấn đề làm tái xuất hiện bệnh như tình trạng trẻ không được tiêm chủng, hoặc tiêm chủng không đủ liều vắc xin có thành phần bạch hầu (vắc xin Td, DPT, Quinvaxem, ComBE Five, SII, các loại vắc xin phối hợp khác) khiến tích lũy cá thể không được tiêm chủng đầy đủ, không có miễn dịch; một số điểm vùng sâu, vùng xa còn khó khăn trong tiêm chủng vắc xin...
Bệnh bạch hầu có thể lây lan từ địa phương có bệnh sang các khu vực khác. Vì vậy, có nguy cơ xuất hiện bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, nhất là những địa phương tiếp giáp với khu vực có bệnh bạch hầu. Chúng tôi đã yêu cầu TTYT huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát ca bệnh, đặc biệt là trường hợp có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính, chú trọng địa bàn giáp ranh Tây Nguyên như huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, An Lão. Khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ cần cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và điều trị kịp thời; triển khai ngay xử lý dịch, tránh lây lan trong cộng đồng. Tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu cho người dân, nhất là người nhà của trẻ, giáo viên để phát hiện sớm, cách ly, thực hiện biện pháp phòng bệnh và phối hợp y tế trong tiêm phòng đầy đủ vắc xin có thành phần bạch hầu…
● Như vậy, việc thực hiện tốt tiêm vắc xin bạch hầu cũng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả?
- Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc, các tổn thương nghiêm trọng có thể gây nhiều biến chứng và tử vong. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu; tiếp xúc đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Lịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng:
- Tiêm vắc xin SII đủ 3 mũi cho trẻ dưới 1 tuổi (mũi thứ 1 tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi; mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất ít nhất 1 tháng; mũi thứ 3 tiêm sau mũi thứ hai ít nhất 1 tháng); tiêm nhắc lại mũi thứ 4 khi trẻ 18 tháng tuổi bằng vắc xin DPT hoặc SII.
- Tiếp tục tiêm nhắc 1 mũi bằng vắc xin Td khi trẻ 7 tuổi.
Bệnh bạch hầu có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị nên chúng ta có khả năng khống chế dịch bệnh hiệu quả. Do đó, cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib (SII), vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT), vắc xin phối hợp bạch hầu, uốn ván giảm liều (Td). Năm 2019, Bình Định đã tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Td dành cho trẻ 7 tuổi trên toàn tỉnh. Hiện chúng tôi tiếp tục trình UBND tỉnh, Sở Y tế triển khai chiến dịch tiêm tương tự cho nhóm trẻ 7 tuổi.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt vệ sinh phòng bệnh: Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng; hạn chế tiếp xúc người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; báo ngay cho y tế địa phương khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để cách ly, điều trị kịp thời…
● Cảm ơn ông!
THU HIỀN (Thực hiện)