Ngày mới trên đất Trung du
Tự mở cho mình hướng đi riêng, kinh tế của Hoài Ân đã có những bước tiến dài. Tiếp đà khởi sắc, huyện đang tập trung cho mục tiêu phát triển bền vững.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, mức tăng trưởng giá trị sản xuất của Hoài Ân đạt 11,2% (nghị quyết 11%). Đặc biệt, ngành trồng trọt phát triển mạnh, tổng giá trị sản xuất đạt 650 tỷ đồng, tăng 28,4% so với năm 2015; giá trị sản phẩm trồng trọt năm 2020 ước đạt 107 triệu đồng/ha, tăng 36,1%.
Tập trung cho những “mũi khoan”
Đến trang trại nuôi gà ở thôn Tân Thịnh (xã Ân Tường Tây), nếu không được chủ nhân Mai Văn Rõ (thường gọi là Tư Rõ) dẫn đường, ta dễ đi lạc giữa vườn đồi với cơ man nào là... gà. Trang trại của Tư Rõ nằm ở lưng chừng đồi Gò Loi, rộng 3,6 ha, có cả thảy 13 dãy chuồng, mỗi dãy thả nuôi “sơ sơ”... 3.000 con gà đủ lứa tuổi.
Với chừng ấy dãy chuồng nhưng chỉ vỏn vẹn 3 người làm việc, “vậy mà còn thư thả cà phê cà pháo” - ông Tư Rõ vui vẻ nói. Là bởi nhiều công đoạn đã chuyên nghiệp hóa, tự động hóa. Chuồng gà được lắp máy quạt, sắp tới có cả giàn phun sương tạo mát. Gà thịt đạt chất lượng cao là bởi nguồn thức ăn có cả bắp, thảo dược. Nằm biệt lập với khu dân cư, nên các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng dễ thực hiện hơn.
Nông sản tiêu biểu của địa phương được trưng bày nhân Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hoài Ân lần thứ XXV. Ảnh: NGUYỄN VĂN TRANG
Nghe Tư Rõ phân tích vanh vách về con giống, cách chăm sóc và cả thị trường tiêu thụ mới thấy “tầm vóc” của người nông dân Hoài Ân hôm nay. “Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, nhiều “thủ phủ gà” tan hoang vì họ nuôi gà đại trà, phục vụ các quán ăn bình dân. Còn gà Hoài Ân chất lượng cao, thị trường tiêu thụ hẹp hơn nhưng ổn định, chúng tôi vẫn gửi gà đi bán khắp nơi trong cả nước, được các gia đình ưa chuộng làm món ăn hằng ngày”, Tư Rõ rành mạch nói.
Cách trang trại gà đặc biệt này không xa là đồi chè ngút ngát của Cơ sở kinh doanh chè Hữu Oanh. Ông chủ Nguyễn Hữu Oanh là cái tên quen thuộc, được biết đến là người dành nhiều tâm huyết để vực dậy danh trà Gò Loi. “Bình quân mỗi năm 1 ha cho ra 5 tấn chè tươi, sau chế biến được 1 tấn khô. Sản phẩm làm ra không đủ bán, Tết nào cũng tầm 20 âm lịch đã khóa sổ”, ông Oanh phấn khởi nói.
Đó là hai trong rất nhiều “nét son” hình thành từ quá trình triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện Hoài Ân. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Khúc, các loại cây ăn quả, cây trồng chủ lực như dừa xiêm, bưởi da xanh, bơ sáp phát triển khá, với trên 716 ha, trong đó diện tích đã cho sản phẩm là 215 ha. Huyện đã thực hiện dự án hỗ trợ cây trồng có thế mạnh được 70,7 ha với kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện đang triển khai thực hiện mô hình bưởi da xanh, dừa xiêm theo tiêu chuẩn VietGAP thuộc chương trình nông thôn, miền núi do Bộ KH&CN ủy quyền địa phương quản lý 70 ha, với kinh phí trên 5,4 tỷ đồng.
“Các sản phẩm có thế mạnh của huyện từng bước phát triển và khẳng định được vị thế, giá trị kinh tế trên thị trường. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Bưởi Hoài Ân” và “Trà Gò Loi”; cùng với đó là 5 sản phẩm được tỉnh công nhận là sản phẩm đặc trưng địa phương”, ông Khúc cho hay.
Hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa, an toàn và hữu cơ
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững tiếp tục là hướng đi được Hoài Ân đeo đuổi. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, trong cơ cấu kinh tế của huyện, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 40%; công nghiệp, xây dựng chiếm 23,5%; thương mại, dịch vụ chiếm 36,5%.
Để đạt mục tiêu này, theo Chủ tịch UBND huyện Hoàng Phi Long, huyện sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chú trọng chuyển giao nhanh các tiến bộ KHKT, quy trình công nghệ cao vào sản xuất, gắn với nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ DN đầu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Giữ vững vị thế “vựa heo”
Vượt qua dịch tả heo châu Phi và đại dịch Covid-19, hiện nay, tổng đàn heo trên địa bàn huyện Hoài Ân đã đạt trên 203.200 con, tăng 50% so với đầu năm 2020. Ðặc biệt nhóm heo con 10 - 20 kg đang tăng mạnh.
Huyện Hoài Ân đang triển khai đồng bộ các giải pháp tái đàn và phát triển chăn nuôi heo để giữ vững vị thế “vựa heo” của cả nước. UBND tỉnh đã phê duyệt 30 tỷ đồng hỗ trợ cho người chăn nuôi vay vốn thông qua Ngân hàng CSXH; UBND huyện đã phê duyệt 2.588 hộ đủ điều kiện vay vốn tái đàn. Các cơ quan chuyên môn cũng tổ chức tập huấn cho cán bộ xã, thị trấn, các hội, đoàn thể, trưởng thôn về phương án hỗ trợ tái đàn.
Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục sáp nhập, hợp nhất các HTXNN hoạt động kém hiệu quả; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ mỗi xã, thị trấn thành lập mới ít nhất 1 - 2 HTX chuyên ngành để liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
“Chúng tôi xác định phải phát triển ngành nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hướng đến nền nông nghiệp an toàn và hữu cơ. Quan tâm phát triển các vùng chuyên canh trên lĩnh vực nông nghiệp có thế mạnh, gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện chuỗi liên kết sản xuất - cung ứng thịt heo đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc”, ông Hoàng Phi Long cho hay.
Đây là hướng đi cần thiết trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo đầu ra, khắc phục tình trạng được mùa mất giá. “Chúng tôi đã thành lập chi hội nghề nghiệp trồng chè, tiến đến xây dựng đề án thành lập HTX Chè Gò Loi để đảm bảo sản xuất, tiêu thụ bền vững, đạt hiệu quả cao nhất”, ông Nguyễn Hữu Oanh chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG