Chuẩn bị tốt mới đón EVFTA thành công
Dự kiến, Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.2020, sẽ là cú hích góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ðể tận dụng được cơ hội này, sự nhập cuộc của các địa phương và DN mang tính quyết định.
Tại Tọa đàm khu vực Trung bộ về hội nhập quốc tế và phát triển bền vững trong tình hình mới, triển khai Hiệp định EVFTA, do Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh tổ chức tại TP Quy Nhơn ngày 24.6 vừa qua, chuyên gia Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khẳng định: EVFTA được thực thi mang lại nhiều cơ hội trong xuất khẩu, không phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống; tạo lợi thế cạnh tranh khi tham gia hệ thống chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu; thu hút dòng vốn đầu tư có chất lượng…
Rộng mở cơ hội
Theo Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng, Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu chính các nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh là 836,8 triệu USD, trong đó thị trường EU đạt 246,8 triệu USD, con số tương ứng của năm 2019 là 911,6 triệu USD - 226,8 triệu USD, 6 tháng đầu năm nay là 520,2 triệu USD - 126,8 triệu USD. “Với cam kết xóa bỏ và cắt giảm thuế quan, EVFTA là cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ, thủy sản... Đây cũng là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các DN Bình Định và khu vực miền Trung - Tây Nguyên”, ông Tổng nhận định.
Với cam kết xóa bỏ và cắt giảm thuế quan, EVFTA là cơ hội gia tăng xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của tỉnh, trong đó có mặt hàng đồ gỗ.
Ngành chế biến gỗ có lợi thế phát triển mạnh khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định, EVFTA sẽ giúp DN gỗ Việt Nam củng cố vị trí trong các chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng EU, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các chuỗi cung ứng đồ gỗ toàn cầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản… Khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng gỗ có thuế suất về 0. Nếu không có EVFTA, với tốc độ tăng trưởng GDP hiện nay, ngành gỗ Việt Nam dễ mất sức cạnh tranh, do không còn được hưởng thuế quan ưu đãi phổ cập như Malaysia, Trung Quốc…
Ý kiến nhiều DN cho hay, với EVFTA, Việt Nam có thêm không gian để thúc đẩy cải cách thể chế sâu rộng hơn phù hợp các cam kết, phát triển nền tảng cạnh tranh minh bạch, công bằng, bền vững trong xã hội và cộng đồng DN. Mặt khác, thúc đẩy hỗ trợ DN vừa và nhỏ trên cơ sở liên kết, phát triển các chuỗi cung ứng hiện đại, đẩy nhanh quá trình cấu trúc lại thị trường, khách hàng và năng lực cốt lõi của DN. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông.
Địa phương và DN phải nhập cuộc
Chuyên gia Nguyễn Anh Dương khuyến cáo, tác động thực tế của EVFTA phụ thuộc chủ yếu vào nỗ lực, mức độ chuẩn bị của Việt Nam, nhất là DN. Vì vậy, truyền thông, nâng cao nhận thức có vai trò đặc biệt. Về thể chế, phải cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, minh bạch thông tin. “Nói thì nhiều, nhưng tất cả chỉ là “cơ hội”, “tiềm năng”, “có thể”, nếu chúng ta thiếu năng lực thể chế và năng lực của DN nhằm tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và EVFTA nói riêng”, ông Dương nhấn mạnh.
“Tất cả chỉ là “cơ hội”, “tiềm năng”, “có thể”, nếu chúng ta thiếu năng lực thể chế và năng lực của DN nhằm tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và EVFTA nói riêng”.
Ông NGUYỄN ANH DƯƠNG - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
Ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, bày tỏ: Hiện, DN xuất khẩu mặt hàng tôm đông lạnh vào thị trường EU và có kế hoạch phát triển thêm khách hàng tại thị trường này, vì vậy chúng tôi đã chủ động đầu tư đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu để đứng vững trong cạnh tranh. Tuy nhiên, DN cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước trong kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu tại nơi nuôi, nhất là dư lượng kháng sinh, hóa chất.
“Khi phải đối mặt với sự suy giảm tăng trưởng kinh tế sau dịch Covid-19, những lợi ích của EVFTA ngày càng hiển nhiên. EVFTA thúc đẩy sự phục hồi của thương mại nhờ việc tăng kim ngạch xuất khẩu. Hơn thế nữa, EVFTA thực sự là cơ hội lớn để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI có chất lượng cao về công nghệ trên con đường phát triển kinh tế 4.0. Mối quan hệ ngày càng chặt chẽ của châu Âu và Việt Nam, cùng với sự ra đời của Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ thu hút ngày càng nhiều DN của EU tham gia công cuộc kinh tế số của Việt Nam”.
Ông Andreas Stoffers, Giám đốc Tổ chức Friedrich Naumann tại Việt Nam
(Tổ chức phi chính phủ của CHLB Đức, hoạt động tại Việt Nam từ năm 2012 với trọng tâm là hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế thị trường).
Còn ông Lê Minh Thiện cho rằng, để EVFTA được EU phê chuẩn thì Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT trở thành một bộ phận không thể thiếu. VPA/FLEGT vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức lớn với cộng đồng DN ngành gỗ trong tuân thủ các quy định từ hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp, đặc biệt là thủ tục hành chính đi theo hệ thống này.
Sở Công Thương đang tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện EVFTA của tỉnh, với các nhóm giải pháp tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về EVFTA và thị trường EU cho DN; chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh DN, nhất là DN nhỏ và vừa; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; triển khai hiệu quả các kế hoạch, chương trình hỗ trợ DN. Tích cực rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và kiến nghị cơ quan thẩm quyền sửa đổi, hoặc ban hành văn bản mới phù hợp các cam kết trong EVFTA tạo môi trường pháp lý minh bạch cho DN…
“DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về EVFTA, đặc biệt thông tin ưu đãi thuế quan mặt hàng thế mạnh hoặc tiềm năng xuất khẩu. Thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. EVFTA chắc chắn mang lại cơ hội cho DN nào chủ động đáp ứng được thay đổi về môi trường kinh doanh do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại”, ông Ngô Văn Tổng nhấn mạnh.
THU HIỀN