Nông sản an toàn Bình Định: Tìm chỗ đứng ở thị trường trong tỉnh
Trong nỗ lực tìm chỗ đứng ở thị trường tại chỗ, các nhà vườn, hộ nông dân sản xuất nông sản an toàn trong tỉnh đang liên kết với các cửa hàng bán lẻ đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng với mức giá phù hợp, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn vẫn còn những nút thắt cần được tháo gỡ.
Hội nghị tổng kết mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới bằng giá thể hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP của nhà vườn La’sfarm Hoài Ân.
Vừa qua, nhân buổi tổng kết mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới bằng giá thể hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP của nhà vườn La’sfarm Hoài Ân (mô hình trồng theo đơn đặt hàng của Trung tâm Khuyến nông tỉnh), anh Trần Bảo Diệp, chủ nhà vườn La’sfarm Hoài Ân, đã kết nối với các nhà vườn trong tỉnh bàn cách đưa nông sản an toàn Bình Định “phủ sóng” rộng hơn ở thị trường trong tỉnh.
Các nhà vườn như: Gia vị nhiệt đới, HTX nấm Anvies, nhà vườn Ân Phong, nhà vườn dưa lưới ở Mỹ Hiệp, một số nhà phân phối ở địa phương… đã ngồi lại với nhau, và qua thảo luận, có hai yếu tố được đặt ra: Sản lượng cung ứng và kênh phân phối bán lẻ.
Anh Trần Bảo Diệp cho biết, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của nhà vườn La’sfarm Hoài Ân trồng thành công các loại rau quả an toàn như dưa hấu, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, cà chua sô cô la, dưa leo baby…, đã có chứng nhận và truy xuất nguồn gốc với mã QR. Bên cạnh cung cấp cho một số cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh, giữa tháng 6.2020, cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn La’sfarm ở thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) đi vào hoạt động. Song, mức tiêu thụ sản phẩm còn chậm.
Dưa hấu an toàn của một nhà vườn ở TX An Nhơn.
Tương tự, chị Phùng Thanh Miền, chủ nhà vườn Gia vị nhiệt đới (Tuy Phước), phân tích: “Đa phần các nhà vườn sản xuất nông sản an toàn trong tỉnh có tiềm lực tài chính chưa mạnh, nên đều hướng tới việc làm đến đâu bán lẻ đến đó để có tiền tái sản xuất. Phải nhích từng bước như vậy, nên chúng tôi chưa thể đưa hàng vào kênh phân phối lớn, chỉ có thể đi thị trường ngách, tiêu thụ ở cửa hàng bán lẻ nhỏ bên ngoài. Quan trọng vẫn là thuyết phục được người tiêu dùng ủng hộ nhà vườn bằng uy tín, chất lượng sản phẩm”.
Theo bà Bùi Phương Anh, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Anh Fruits (Quy Nhơn), quản lý chuỗi cửa hàng trái cây nhập khẩu EUS Fruit, nhu cầu tiêu thụ nông sản an toàn ở TP Quy Nhơn rất lớn. Mấy năm gần đây, nhiều nhà vườn Bình Ðịnh đầu tư sản xuất các loại rau, quả như dưa lê vàng Hàn Quốc, dưa lưới, dưa hấu hữu cơ cung cấp cho công ty. Sáng 28.6, công ty đã mua gom hơn 6 tấn dưa hấu an toàn của hộ nông dân trên địa bàn TX An Nhơn để đưa về Quy Nhơn tiêu thụ.
Những sản phẩm của vườn Gia vị nhiệt đới được kiểm nghiệm tại Trung tâm kiểm nghiệm Sắc Ký Hải Đăng (TP Hồ Chí Minh) đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, có tem, vạch để kiểm tra, tăng thêm độ tin cậy cho người dùng. Thực tế, theo đuổi mô hình nông nghiệp an toàn đòi hỏi chi phí đầu tư lớn hơn, nên đến nay nhà vườn vẫn chưa thể hòa vốn.
“Mỗi nhà vườn có một thế mạnh với dòng sản phẩm riêng. Đây là lúc chúng tôi tính tới việc phải đi cùng nhau thì mới có thể đi xa được. Tôi làm ra nấm an toàn, rồi liên kết với các nhà vườn trong tỉnh gom hàng, trao đổi hàng hóa, cùng bán sản phẩm của nhau”, chị Phan Kim Nhật Quỳnh, sáng lập viên HTX nấm Anvies (An Nhơn), cho biết. Đặt mục tiêu tiếp tục phát triển, hướng tới việc sản xuất và chế biến nấm thành phẩm, chị Quỳnh thành lập HTX để mở rộng quy mô, liên kết với nông dân để sản xuất. Mô hình nấm an toàn của chị Quỳnh là dự án duy nhất của tỉnh được Hội LHPN Việt Nam chọn và hỗ trợ tập huấn vừa qua tại Đà Nẵng.
TS Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết, đặc thù của những nhà vườn sản xuất nông sản an toàn trong tỉnh là quy mô nhỏ, sản lượng chưa đảm bảo đều đặn để có thể tạo dựng được chuỗi liên kết đủ mạnh để đưa vào các kênh bán lẻ lớn; và các cửa hàng kinh doanh nhỏ, các đầu mối hoa quả ở chợ trong tỉnh là kênh mà nông sản an toàn của nhà vườn Bình Định có thể tiếp cận. Song, vấn đề đặt ra là giá bán, sản lượng và cạnh tranh với nông sản nơi khác về. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ có cuộc làm việc với các nhà vườn để tìm cách tháo gỡ những khó khăn này.
THU DỊU