Triển khai mô hình quản lý rừng bền vững
Cả tỉnh hiện có 3 DN là Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh (huyện Vân Canh), Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh) và Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) đang phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng phương án triển khai mô hình quản lý rừng bền vững theo phê duyệt của UBND tỉnh, đồng thời tiến tới đề nghị cấp chứng chỉ bảo vệ rừng FSC.
Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh được giao quản lý hơn 14.600 ha đất có rừng; trong đó diện tích đất có rừng tự nhiên sản xuất hơn 13.200 ha, còn lại là đất rừng tự nhiên phòng hộ và rừng trồng. Ông Cái Minh Tùng, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Hà Thanh, cho biết: “Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2020 - 2025 của đơn vị đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, công ty sẽ chuyển hơn 2.780 ha rừng trồng để thực hiện chương trình quản lý rừng bền vững trước, sau đó sẽ mời các tổ chức có thẩm quyền để đánh giá và tiến tới cấp chứng chỉ FSC”.
Rừng trồng của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn tại xã Bình Tân, huyện Tây Sơn.
Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2020 - 2025 của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt và đang triển khai thực hiện. Công ty sẽ đưa vào quản lý, bảo vệ toàn bộ hơn 10.400 ha rừng tự nhiên hiện có. “Toàn bộ diện tích rừng của công ty quản lý, chúng tôi đều xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Riêng diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên để tiến tới cấp chứng chỉ FSC là hơn 1.300 ha. Trước mắt, chúng tôi sẽ thực hiện các thủ tục để đề nghị cấp chứng chỉ FSC cho rừng trồng, sau đó sẽ đến rừng tự nhiên”, ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, chia sẻ.
Trong năm nay, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn xây dựng phương án quản lý rừng bền vững hơn 8.455 ha rừng do đơn vị quản lý. Theo ông Hoàng Hà Giang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, đơn vị đang tiến hành đo đạc để xác định lại diện tích rừng, dự kiến đến tháng 7 tới sẽ hoàn thành việc đo đạc và đánh giá nội bộ. Đến tháng 10 năm nay, Công ty sẽ mời Hội đồng quản lý rừng FSC đến đánh giá, kiểm tra để cấp chứng chỉ FSC.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhấn mạnh: “Trồng rừng theo chứng chỉ FSC không chỉ tăng giá trị của sản phẩm gỗ rừng trồng, mà còn đáp ứng các quy định về nguồn gốc, xuất xứ gỗ rừng trồng để xuất khẩu sang thị trường các nước. Điều quan trọng nhất, sẽ đảm bảo các tiêu chí phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường gắn với lợi ích xã hội...”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN