Cần có quy chế quản lý, sử dụng nguồn nước kênh Lộc Đổng - Kiền Giang
Hàng năm cứ vào mùa nắng nóng, khô hạn, tình trạng nước ở đầu nguồn tuyến kênh Lộc Đổng - Kiền Giang chảy qua các xã Tây Phú và Tây Xuân (huyện Tây Sơn) rất khan hiếm. Thế nhưng, Công ty CP Du lịch Hầm Hô Rosa Alba (gọi tắt là Công ty Du lịch Hầm Hô) lại chặn dòng, cản nước để chèo đò du lịch, khiến cho sản xuất nông nghiệp vùng hạ lưu bị ảnh hưởng.
Người dân thôn Phú Lâm, xã Tây Phú, phản ảnh: Hàng ngày tầm 10 giờ sáng cho đến chiều, nghĩa là lúc có khách du lịch, những người chèo thuyền ở khu du lịch Hầm Hô lấy ván chặn dòng để nước dâng cao, cho nên nước chảy yếu, không vào được ruộng lúa. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân các thôn ở cuối nguồn nước rất bấp bênh.
Khi cần có nước để chèo đò phục vụ du khách, người chèo đò trong Khu du lịch Hầm Hô sẽ lấy ván cản dòng chảy tại cống dẫn nước này.
Theo ông Huỳnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Tây Xuân, hiện xã có đến 39 ha đất sản xuất lúa cần nước tưới từ tuyến kênh Lộc Đổng - Kiền Giang. Tuy nhiên, do tuyến kênh này dài gần 4 km nên cuối nguồn không đủ nước tưới, nông dân phải chuyển đổi cây trồng. Bà con cũng đã kiến nghị nhiều lần nhưng xã chưa có hướng khắc phục.
Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đã trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Du lịch Hầm Hô Rosa Alba. Ban đầu, ông Tuấn cho rằng không có chuyện công ty cho chặn dòng. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi đưa ra bằng chứng thì ông Tuấn thừa nhận, nhưng cho rằng chỉ chặn 1 tấm ván, chứ không phải 2 tấm như người dân đã phản ánh.
Trong khi đó, ông Trịnh Văn Thừa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Tây Sơn, cho rằng: Bình thường mỗi chiếc đò chỉ chở từ 2 - 3 người/chuyến. Tuy nhiên, có ngày đông khách, họ chở 5 - 7 người/chuyến nên đò bị chạm đáy, không thể chống đò được. Vì vậy, họ lấy ván cản dòng chảy để nước dâng cao tại khu vực bến đò gần cầu dẫn 2 bên bờ kênh. “Ít khách thì họ cho cản một 1 ván, còn đông khách thì họ cản 2 tấm ván để nước dâng cao, phục vụ cho việc chèo đò. Vì họ cản nên nước dâng cao tràn qua những khe hở và những đoạn bờ tràn thấp dọc tuyến kênh trong khu vực Hầm Hô, gây thất thoát nước. Khi chúng tôi phát hiện, nhắc nhở thì họ gỡ ván, rồi họ lại tiếp tục chặn”, ông Thừa nói.
Cũng theo ông Thừa, ngoài ra còn có nhiều người dân ở khu vực đoạn giữa tuyến kênh dùng máy bơm công suất lớn bơm nước vào ruộng của mình. Mặt khác, đập dâng Lộc Giang do đơn vị quản lý nhưng lại nằm trong khu vực Công ty Du lịch Hầm Hô nên rất khó quản lý.
“Để khắc phục tình trạng trên, vừa đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, vừa đảm bảo lợi ích của DN trong phát triển du lịch, thời gian đến, Trung tâm sẽ phối hợp với Công ty Du lịch Hầm Hô xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nguồn nước tại khu vực Hầm Hô”, ông Thừa cho biết thêm.
VĂN LƯU