Xung quanh vấn đề tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng:
Kẻ cả tin, người “mờ mắt”
Tạo lòng tin, đánh vào lòng tham bằng cách vay trả lãi suất cao hay cùng góp vốn để kinh doanh với lợi nhuận hấp dẫn là những thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo đang sử dụng để “đánh bẫy” nhiều người.
Mánh lới lừa đảo
Để có thể vay được tiền của nhiều người, vợ chồng Huỳnh Thị Thái Anh (phường Bình Định, thị xã An Nhơn) đã giả mạo giấy nhận nợ của ngân hàng và dùng làm bằng chứng cần tiền “đáo hạn ngân hàng” vay 17 lần với tổng số tiền gần 9 tỉ đồng và chiếm đoạt 7,64 tỉ đồng.
Nhằm che đậy việc kinh doanh thua lỗ của mình, Trần Thị Ngọc Nữ (phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn), đã nói dối với nhiều người là vay tiền để đáo hạn ngân hàng, cho người khác vay để hưởng chênh lệch và góp vốn đầu tư công ty. Thấy Nữ từng là giáo viên và có chồng là quân nhân xuất ngũ, lâu nay kinh doanh vận tải hành khách khá bề thế, nên khi Nữ mở lời vay và hứa trả lãi suất cao, nhiều người tin ngay. Tuy nhiên, khi vay được tiền, Nữ lại dùng một phần nhỏ để trả lãi nhằm lấy lòng tin, phần lớn còn lại chiếm đoạt, trả nợ cũ và tiêu dùng.
Ngoài thủ đoạn trên, việc kêu gọi hùn hạp, góp vốn kinh doanh thu lợi nhuận cao cũng là phương thức được nhiều đối tượng sử dụng để có thể huy động một lượng lớn tiền của nhiều người. Như trường hợp của Nguyễn Thị Minh (phường Quang Trung, TP Quy Nhơn), vốn chỉ buôn bán nhỏ, nhưng để làm cho mọi người tin việc kinh doanh của mình đang rất thuận lợi, Minh luôn mang theo trong người vài trăm triệu đồng, nói với người cho vay là đang cần nhập một lượng lớn hải sản để bỏ cho bạn hàng trong TP Hồ Chí Minh. Bằng thủ đoạn này, từ năm 2012 đến ngày 30.5.2013, Minh đã vay mượn, chiếm đoạt của 15 người với số tiền trên 6,8 tỉ đồng và 9,3 lượng vàng.
Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, phương thức và thủ đoạn lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh không có gì mới, song vẫn diễn biến phức tạp và người bị “sập bẫy” vẫn khá nhiều. Theo Đội Hướng dẫn điều tra án xâm phạm sở hữu và tội phạm hình sự khác, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, CA tỉnh, từ đầu năm đến nay, Đội đã tiếp nhận 194 đơn tố giác, tin báo tội phạm lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đội đã điều tra xác minh 20 vụ, khởi tố hình sự 10 vụ, với tổng số tiền chiếm đoạt trên 84,67 tỉ đồng và 703,5 chỉ vàng; tăng 5 vụ, tăng gần 33 tỉ đồng so với năm 2012.
Thận trọng và tỉnh táo
Không được vào theo dõi phiên xử bố mẹ mình về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cậu bé T., 6 tuổi (con của vợ chồng bị cáo Huỳnh Thị Thái Anh) đành ngồi bó gối ngoài sân tòa, cậu bé bảo, ba chở con lên từ sớm để được gặp mẹ (Huỳnh Văn Hòa, chồng bị cáo Anh được tại ngoại trong thời gian chờ xét xử - PV), nhưng con chỉ thấy mẹ từ trong xe bước xuống cùng với nhiều chú công an thôi, lâu rồi con chưa được gặp mẹ. Rồi đây, cậu bé sẽ phải sống thiếu vòng tay chăm sóc của cả cha lẫn mẹ trong một thời gian dài, khi trong phiên tòa diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua, TAND tỉnh đã tuyên phạt 18 năm tù giam đối bị cáo Huỳnh Thị Thái Anh và 15 năm tù đối với Huỳnh Văn Hòa.
Ông Võ Hồng Nam, Đoàn Luật sư tỉnh, cho rằng: “Với việc trả lãi suất cao bất thường, người cho vay nên tỉnh táo đánh giá lại tính hiệu quả của việc kinh doanh của người đi vay rồi hãy quyết định. Đối với việc người vay thế chấp tài sản, việc thế chấp đó cũng phải ra công chứng, chứng thực thì hợp đồng thế chấp đó mới có giá trị về mặt pháp lý, bằng không sẽ rất khó đảm bảo được nguồn tiền cho vay”.
Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Đội trưởng Đội Hướng dẫn điều tra án xâm phạm sở hữu và tội phạm hình sự khác, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, CA tỉnh, cho biết: “Người đi vay luôn giữ bí mật về việc họ đang vay của ai. Các đối tượng này thường lợi dụng các mối quan hệ quen biết trong khoảng thời gian dài làm ăn để vay mượn, hứa trả lãi suất cao và ban đầu trả lãi sòng phẳng để tạo lòng tin, sau đó sẽ vay mượn mà không có chứng từ, giấy tờ. Ngoài ra, các đối tượng sẽ khuếch trương tài sản bằng việc mua sắm ô tô, nhà cửa để gây dựng niềm tin, thu hút người cho vay”.
Lời khuyên đã cũ nhưng không bao giờ thừa cho nhiều người là, khi tham gia các hoạt động tín dụng ngoài sự quản lý của nhà nước, người cho vay cần thận trọng vì người đi vay không có gì để đảm bảo, những tài sản họ đang có trong tay chưa chắc là của họ; và cần tỉnh táo trước bẫy lãi suất cao để tránh “tiền mất tật mang”.
KIỀU ANH
Đúng vậy, bài báo nói quá đúng. Nhưng để làm được điều ngăn ngừa hành vi lừa đảo vẫn chưa đủ giải pháp để răn đe kẻ lừa đảo vì mức án của Luật vẫn còn nhẹ dẫn đến kẻ lừa đảo vẫn còn muốn áp dụng để tạo nên sự rối loạn cho xã hội (lấy lòng tin của người cả tin-để rồi lừa đảo, chiếm đoạt quyền sở hữu đáng có của họ thành của mình, cao lắm là ở tù là xong). Cấp tòa cần xem xét dùng mức án tối đa cho tội lừa đảo mang tính nghiêm trọng, mới hy vọng răng tạo tính răn đe có hiệu quả cho xã hội dựa trên mức hơn và thua khi bị tội.