Gia tăng xuất khẩu, thép Việt bị nhiều quốc gia chú ý
Thời gian qua, ngành thép Việt Nam đã bị nhiều thị trường khởi xướng kiện phòng vệ thương mại (PVTM). Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN và thậm chí cả Liên minh kinh tế Á-Âu…
Ngay trong tháng 2 vừa qua, Ủy ban về phá giá và trợ cấp Thái Lan đã quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 6,97%-51,61% (giá CIF) đối với các sản phẩm ống dẫn bằng sắt hoặc thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (bao gồm 169 mã HS), nhằm ngăn chặn đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.
Đến cuối tháng 3, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) cũng khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép mạ (tôn mạ) có xuất xứ từ Việt Nam. Biên độ bán phá giá cáo buộc đối với Việt Nam lên tới 39,27%.
Chỉ trong thời gian ngăn đã có 6 vụ kiện PVTM liên quan đến các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)
Cùng thời điểm, cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) ra thông báo kết luận sơ bộ và áp thuế tạm thời đối với thép chống ăn mòn của Việt Nam. Điều tra cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam bán giá phá sản phẩm thép nói trên sang thị trường Canada với biên độ từ 36,3% - 91,8%.
Cũng trong tháng 3, Ủy ban chống bán phá giá Australia (ADC) khởi xướng điều tra chống bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm ống và ống dẫn bằng thép có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Trung tuần tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ cũng khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với sản phẩm thép tấm không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương), trong số 22 vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất với 6 vụ, chiếm tỷ lệ 30%. Đa số các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép đều do Mỹ tiến hành, trong đó, riêng với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS), Mỹ đã điều tra tổng cộng 5 vụ.
Đáng chú ý, trong tất cả các vụ việc điều tra, Mỹ đều kết luận thép CORE và CRS của Việt Nam được sản xuất bằng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ đang lẩn tránh các biện pháp PVTM mà Mỹ đang áp dụng. Mức độ đầu tư; chuyển đổi trong quá trình sản xuất sản phẩm thép này tại Việt Nam là không đáng kể.
Nhận định về tình trạng này, chuyên gia ngành thép – ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, thép là nguyên liệu cho tất cả các ngành công nghiệp và xây dựng và là vật liệu chiến lược nên rất nhiều quốc gia chú ý đến.
“Những năm gần đây, ngành thép Việt Nam tăng trưởng nhanh. Ngoài việc mở rộng thị phần trong nước, xuất khẩu thép cũng đạt những kết quả tốt. Tuy nhiên, việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép như thời gian vừa qua cũng đã khiến nhiều sản phẩm thép của Việt Nam bị các nước chú ý. Nhiều quốc gia đã áp dụng biện pháp PVTM để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước”, ông Sưa lý giải.
Doanh nghiệp thép cần tìm hiểu rõ cơ chế
Theo khuyến cáo của Cục PVTM, để phòng ngừa và xử lý các vụ kiện PVTM, thời gian tới các DN thép cần xây dựng chiến lược xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng cần chú trọng nhiều hơn tới tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra PVTM của các nước, khi họ thường xuyên thay đổi quy định, thủ tục điều tra theo hướng dễ khởi xướng điều tra, áp dụng hơn.
Ông Lê Triệu Dũng cảnh báo, trên thực tiễn tại nhiều thị trường khó tính nếu phát hiện sản phẩm có các hành vi lẩn tránh thuế, bán phá giá, chống trợ cấp, sai quy tắc xuất xử,… ngay lập quốc gia nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, khiến trong nhiều trường hợp DN sẽ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan. Do đó, các doanh nghiệp thép cần nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện, điều tra, các nhóm mặt hàng thường bị kiện; không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp…
Bộ Công Thương mới đây cũng chỉ rõ, qua trường hợp Mỹ áp thuế chống lẩn tránh đối với một số sản phẩm thép của Việt Nam là hành động nhằm đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp PVTM đang áp dụng. Sản phẩm thép được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam, hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn khác sẽ được phép sử dụng cơ chế khai báo để hưởng miễn trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế.
Do đó, kết luận của các vụ việc chống lẩn tránh không tác động đáng kể đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, nếu các doanh nghiệp thép chủ động phát triển được các ngành thượng nguồn (sản xuất nguyên liệu đầu vào).
Theo Nguyễn Quỳnh (VOV.VN)