Chớ chủ quan với bệnh sỏi tiết niệu
Sỏi tiết niệu là nguyên nhân đứng thứ ba gây suy thận mạn tính. Thống kê của khoa Ngoại Tiết niệu (BVĐK tỉnh), trong 10 tháng đầu năm 2013, đã có 2.018 trường hợp mắc bệnh sỏi tiết niệu nhập viện điều trị.
Cách đây không lâu, bà Đặng Thị Long, 71 tuổi, ở huyện Tuy Phước, được người nhà đưa vào BVĐK tỉnh, trong tình trạng đau dữ dội ở vùng bụng, sốt, huyết áp tụt. Trước đó, bà Long đã bị đau, nhưng cơn đau lại hết nên bà chủ quan không đi khám. Qua thăm khám, các bác sĩ khoa Ngoại Tiết niệu chẩn đoán bà bị sỏi tiết niệu có biến chứng nhiễm trùng máu và được điều trị theo phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể. Hiện tại, sức khỏe bà đã ổn định.
Bác sĩ Hoàng Văn Khả, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, cho biết: “Sỏi tiết niệu là bệnh thường gặp, hay tái phát và dễ gây biến chứng suy thận. Ở giai đoạn đầu của bệnh, nhiều bệnh nhân không có biểu hiện bệnh hoặc đa phần chỉ đau lưng nên dễ nhầm bệnh khác. Chỉ khi cơn đau dữ dội, cấp tính bệnh nhân mới được nhập viện thì hầu hết đã nặng. Không ít người bị biến chứng thận ứ nước, thận ứ mủ, nhiễm trùng máu, bế tắc đường tiểu… rất khó điều trị”.
“Khi người bệnh có những dấu hiệu như đau âm ỉ vùng thắt lưng, tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu ra máu… cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời”.
Bác sĩ HOÀNG VĂN KHẢ, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, BVĐK tỉnh.
Bệnh thường xảy ra ở người lớn và có tiền sử bệnh nhiều năm. Nguyên nhân là do bệnh nhân uống quá ít nước làm nước tiểu bị cô đặc, tạo điều kiện cho sỏi kết tinh tại đường tiểu. Chế độ ăn uống không hợp lý, quá nhiều thức ăn giàu protein, natri, oxalat (rau muống), canxi (tôm, cua, sò, ốc). Mặt khác, ở vùng miền núi, nơi thường có nguồn nước cứng chứa chất canxi, photphat không được đun sôi trước khi sử dụng khiến các chất này hòa tan trong nước uống. Người lao động ngoài trời nắng gắt không bù đủ nước cũng làm cô đặc nước tiểu.
Tùy kích thước và vị trí của sỏi trên đường tiết niệu và đặc điểm bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau như: tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua nội soi niệu quản ngược dòng, tán sỏi thận qua da, phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản. Hiện tại, khoa Ngoại Tiết niệu, BVĐK tỉnh đã triển khai một số phương pháp điều trị ngoại khoa đem lại hiệu quả cho người bệnh.
Để phòng tránh bệnh, bác sĩ Khả khuyên, nên uống đủ nước, nhất là khi thời tiết quá nóng bức hoặc làm việc nặng trong môi trường có nhiệt độ cao; chế độ ăn hợp lý, tránh thức ăn quá nhiều canxi, protein, oxalat, purin, thức ăn mặn... Đặc biệt, bệnh rất dễ tái phát, bệnh nhân đã phẫu thuật phải chú ý chế độ ăn; không nén nhịn khi buồn đi tiểu, uống khoảng 2 lít nước/ngày (trường hợp có dấu hiệu tiểu buốt, tiểu dắt nên dùng sớm các loại lợi tiểu như râu ngô, mã đề...). Người dân sống ở vùng núi, đá vôi nên đun sôi nước trước khi sử dụng. Cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, điều trị kịp thời tránh các biến chứng.
THU PHƯƠNG