CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH:
Tổ chức biên soạn theo hướng mở
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức biên soạn và triển khai nội dung giáo dục địa phương trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở GD&ÐT đang gấp rút thực hiện để hoàn thành chương trình đảm bảo triển khai tổ chức dạy học trong năm học 2020 - 2021.
Học sinh ở TP Quy Nhơn tham gia xem triển lãm ở Bảo tàng Bình Định.
Phát triển phẩm chất, năng lực cho người học
Chương trình giáo dục địa phương nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, KT-XH, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương. Từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử của cộng đồng dân cư các dân tộc địa phương.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trước tháng 2.2020 hoàn thành chương trình, nội dung tổng thể giáo dục địa phương của 3 cấp học.
Thời gian hoàn thành tài liệu: Tháng 7.2020 (hoàn thành tài liệu lớp 1); tháng 7.2021 (hoàn thành tài liệu lớp 2 và lớp 6); tháng 7.2022 (hoàn thành tài liệu lớp 3, lớp 7 và lớp 10); tháng 7.2023 (hoàn thành tài liệu lớp 4, lớp 8 và lớp 11); tháng 7.2024 (hoàn thành tài liệu lớp 5, lớp 9 và lớp 12).
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông mới đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm, bên cạnh chương trình thống nhất trên toàn quốc chiếm 80% là chương trình giáo dục địa phương chiếm 20%. Đây là chương trình bắt buộc vì mỗi nơi có một đặc thù như Bình Định thì có tuồng, bài chòi… rất đặc sắc. Dù giao cho địa phương soạn tài liệu chương trình nhưng Bộ cũng có văn bản hướng dẫn để tài liệu chương trình bám sát hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, quy định, chương trình giáo dục địa phương phải đảm bảo về kiến thức, kỹ năng, phù hợp trong từng cấp học, lớp học. Nội dung chương trình thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ, định hướng nghề nghiệp của học sinh để làm cơ sở đánh giá kết quả giáo dục học sinh. Theo đó, tài liệu chương trình giáo dục địa phương gồm các nội dung: Các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống của tỉnh; các vấn đề về địa lý, KT-XH của tỉnh; các vấn đề về chính trị - xã hội, môi trường; các vấn đề về gia đình. Cấp tiểu học, chương trình giáo dục địa phương được lồng ghép trong các hoạt động trải nghiệm (mỗi tuần có 3 tiết trải nghiệm). Ở cấp THCS và THPT mỗi năm có 35 tiết giáo dục địa phương, tương đương mỗi tuần 1 tiết.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, chương trình giáo dục địa phương phải có các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý, KT-XH của tỉnh.
Trong ảnh: Học sinh hô hát bài chòi ở TP Quy Nhơn.
Áp dụng phù hợp, tăng tính kết nối
Ông Phan Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Ở chương trình hiện hành, một số trường cũng đã chủ động cho học sinh tìm hiểu văn hóa, lịch sử địa phương như thắp hương, dọn vệ sinh ở nghĩa trang liệt sĩ và các di tích gần trường. Bên cạnh đó, giáo viên còn kể cho học sinh nghe những câu chuyện gắn liền với di tích các em đã tham gia chăm sóc. Đặc biệt, Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức các chương trình tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại Bảo tàng. Đây là hoạt động rất thiết thực và hiệu quả nhưng không nhiều nơi thực hiện được. Ở chương trình mới, các trường đều phải triển khai hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương cho học sinh. Hiện tại, tài liệu giáo dục địa phương cho lớp 1 đã sắp hoàn thành. Tỉnh sẽ họp hội đồng thẩm định gồm đại diện của các Sở, ban, ngành tham gia góp ý, chỉnh sửa để tài liệu hoàn thiện và triển khai trong năm học tới. Có thể nói đây là lần đầu thầy cô tham gia soạn tài liệu giảng dạy, học tập chung cho cả tỉnh nên cũng có nhiều bỡ ngỡ nhưng nhiệt tình thì không thiếu. Ngoài việc đi đến các Sở, ngành xin tài liệu, thầy cô còn chịu khó chụp ảnh, chủ động liên hệ xin hình ảnh…
Bên cạnh biên soạn, thực hiện đảm bảo tính khoa học, thống nhất, phù hợp với tài liệu hướng dẫn dạy học các môn theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tài liệu giáo dục địa phương còn có tính mở để giáo viên áp dụng phù hợp, tăng tính kết nối tại mỗi địa phương trong tỉnh. Dựa vào tài liệu, giáo viên ở các trường hoàn toàn có thể linh hoạt vận dụng, thay đổi để triển khai hoạt động phù hợp với địa phương hơn như ở phần danh lam thắng cảnh thì Quy Nhơn giới thiệu cho các em bãi tắm Hoàng Hậu, Hoài Nhơn có thể giới thiệu biển Lộ Diêu… Bên cạnh đó, chương trình giáo dục địa phương không chỉ có 1, 2 giáo viên phụ trách mà ngoài giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách đội, tương ứng với hoạt động nào, giáo viên bộ môn ấy sẽ đảm nhiệm như giáo viên thể dục sẽ giới thiệu võ cổ truyền Bình Định, giáo viên âm nhạc sẽ giới thiệu bài chòi.
Thầy Đoàn Ngọc Hải, giáo viên dạy nhạc Trường Tiểu học số 1 Cát Hanh (huyện Phù Cát), chia sẻ: Vấn đề lồng ghép các loại hình nghệ thuật truyền thống của tỉnh trong giờ học, Sở GD&ĐT đã khuyến khích từ nhiều năm trước. Do đó, ở những tiết phù hợp tôi cũng có giới thiệu cho các em biết được loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương mình.
THẢO KHUY