Tín dụng xanh & cơ hội tiếp cận
Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24.3.2015 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về việc thúc đẩy tín dụng xanh, đến nay nhiều ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng xanh phục vụ cho những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường.
Nhân viên Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Quy Nhơn tư vấn cho khách hàng gói tín dụng xanh.
Điển hình là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank cho vay các dự án tiết kiệm và hiệu quả năng lượng theo Chương trình tín dụng môi trường EIB, Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB cho vay theo dự án tài chính nông thôn RDP, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank cho vay các dự án nông nghiệp, lâm nghiệp bền vững, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam - Techcombank cho vay các dự án về nông nghiệp, năng lượng tái tạo, vận hành năng lượng tiết kiệm trong xây dựng, Ngân hàng TMCP Nam Á - Namabank cho vay theo chương trình ký kết với Quỹ khí hậu toàn cầu (GCPF), Ngân hàng phát triển TP Hồ Chí Minh - HD Bank tập trung cho vay các dự năng lượng tái tạo…
“Sở Xây dựng phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC (thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới - Worldbank Group) tổ chức các hội thảo tập huấn về kỹ thuật, trong đó có tập huấn về việc xây dựng và vận hành năng lượng tiết kiệm trong các tòa nhà cho DN, chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thực tế, chi phí cho các công trình xanh cao hơn 20% tổng mức đầu tư so với bình thường, khó khăn về tài chính khiến nhiều chủ đầu tư không đủ lực để theo đuổi xây dựng công trình xanh. Trong hội thảo sắp tới, Sở Xây dựng sẽ thông tin thêm về các gói ưu đãi tín dụng xanh để các DN, chủ đầu tư có thêm cơ hội tiếp cận”.
Ông ĐẶNG VŨ VĂN, Trưởng phòng Quản lý xây dựng & Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng)
Trước tiên hầu hết các ngân hàng đều đưa ra với nhiều điều kiện khá ngặt nghèo: DN, cá nhân muốn vay phải trình được phương án sản xuất, kinh doanh có gắn với các lĩnh vực liên quan đến bảo vệ môi trường; chứng minh được kế hoạch phát triển, thị trường, phương án trả nợ vay. Nhưng chính các ngân hàng cũng chưa thể có một bộ công cụ hoàn thiện về kỹ thuật, tiêu chí để có thể thẩm định, đánh giá chính xác các yếu tố xanh mà khách hàng đưa ra khi vay vốn. Đây chỉ là một ví dụ về những điểm vướng cho cả khách hàng và ngân hàng, dù nhu cầu là có và vốn tín dụng thì đã bố trí xong.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh, Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Quy Nhơn (Nam A Bank Quy Nhơn), nhìn nhận, về tín dụng xanh, các ngân hàng thường triển khai theo nhóm đối tượng khách hàng. Với Nam A Bank, đơn vị tập trung cho những khách hàng vay sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Ở tỉnh Bình Định, Nam A Bank Quy Nhơn đã giải ngân hơn 10 tỷ đồng, chủ yếu là vay quy mô hộ gia đình để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp bền vững như vay nuôi tôm quảng canh kết hợp trồng rừng ngập mặn ở khu Đông Tuy Phước.
Đại diện một ngân hàng thương mại ở Bình Định phân tích: Rõ ràng việc thiếu một bên thứ ba - đơn vị thẩm định và đánh giá kết quả của những dự án có gắn yếu tố xanh - khiến cho phía ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, để định giá một ngôi nhà, ngân hàng có thể thuê công ty thẩm định giá, nhưng để đánh giá có đủ “xanh” để được giải ngân thì đến nay vẫn chưa. Trên thực tế, khi triển khai tín dụng xanh, các ngân hàng thương mại không dựa trên quy chuẩn cụ thể nào, cũng chưa có hướng dẫn chi tiết nào khi thực hiện nghiệp vụ tín dụng xanh, mà chủ yếu dựa vào năng lực phân tích, thẩm định, đánh giá của riêng từng đơn vị.
Ông Nguyễn Trà Dương, Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, cho biết, tín dụng xanh là một trong những chỉ đạo xuyên suốt của ngành ngân hàng, thúc đẩy phát triển KT-XH gắn với yếu tố xanh. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai nghiệp vụ này còn rất hạn chế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định một mặt tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường quảng bá, tuyên truyền về tín dụng xanh (làm rõ mục đích, các điều kiện tiếp cận gói tín dụng này) nhằm tăng cơ hội tiếp cận tín dụng xanh cho các tổ chức, DN, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, để khơi dòng tín dụng xanh, về phía Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh cũng sẽ khảo sát, nắm bắt các vướng mắc, tổng hợp để báo cáo lên các cấp có thẩm quyền xem xét xử lý.
THU DỊU