Chiếu bóng về làng xa
Những thước phim, hình ảnh được trình chiếu không đơn thuần chỉ là “món ăn tinh thần” của người dân miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, mà còn là một kênh truyền thông hiệu quả chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Với suy nghĩ này, nhiều năm qua, cán bộ, nhân viên Trung tâm Văn hóa - Ðiện ảnh (Sở VH&TT) miệt mài đưa điện ảnh đến với đồng bào.
Người dân ở làng Giọt 1 tập trung đông trước nhà rông để cùng xem phim.
Thời đại công nghệ thông tin, truyền hình, điện thoại thông minh phổ biến khắp các vùng miền. Tuy nhiên, với người dân các thôn, làng ở xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn), chiếu bóng lưu động mang lại những điều thú vị.
17 giờ 45 phút ngày 26.6, ánh nắng khuất dần sau đỉnh núi. Bà con ở nhiều làng trong xã Vĩnh An lỉnh kỉnh vác cuốc, chở bắp, mì về nhà sau một ngày lao động. Không khí trở nên vui hơn khi bà con nghe thông tin xe chiếu bóng của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (VHĐA) đã về đậu trước nhà rông làng Giọt 1. Ông Đinh Ớt (56 tuổi), một người dân sống gần nhà rông mừng rỡ: Tối nay được xem cán bộ chiếu phim hay nữa rồi. Hôm rồi, bộ phim “Anh hùng Núp” được cán bộ công chiếu, bà con xem xong về thấy ưng cái bụng lắm!
Vừa thao tác lắp máy chiếu chuẩn bị cho buổi chiếu phim, ông Trần Ngọc Chính, kỹ thuật viên Trung tâm VHĐA, vui vẻ: “Đoàn chúng tôi, sẽ chiếu 3 bộ phim: “Rừng là tài nguyên của Quốc gia” (phim chuyên đề của Cục Điện ảnh), “Những người viết huyền thoại” và “Chiếc vòng bạc” (phim truyện Việt Nam). Phim này hay không kém gì bộ phim “Anh hùng Núp”. Sau cuộc đối thoại ngắn, các anh trong Đội chiếu bóng tất bật cho công việc bố trí, sắp xếp ghế ngồi, lắp đặt máy chiếu, màn ảnh, loa, âm ly… chuẩn bị phục vụ cho buổi chiếu.
19 giờ, buổi chiếu mới bắt đầu, nhưng từ trước đó rất lâu đã có rất nhiều trẻ em và người già kéo đến địa điểm chiếu phim để giữ chỗ tốt. Anh Đinh Phúc, Trưởng làng Giọt 1, chia sẻ: “Chiếu bóng về làng mình là một sự kiện. Ðội chiếu bóng về phục vụ người dân là chúng tôi vui lắm. Bà con ở đây rất thích xem phim về Bác Hồ, phim về đấu tranh cách mạng, phim phổ biến bảo vệ rừng, gia đình văn hóa. Cứ chiếu phim về những nội dung này, bà con ai cũng vui, “no con mắt mà sướng cái bụng”!”.
Như “vầng trăng mỗi tháng lại tròn”, các anh chiếu bóng lại về với thôn, làng phục vụ nhu cầu giải trí văn hóa tinh thần cho bà con. 19 giờ, khuôn viên nhà rông làng Giọt 1 như chật kín người. Lúc này, cán bộ kỹ thuật chính thức bật máy chiếu phim. Chứng kiến cảnh dân làng ngồi xem đông đúc, những đôi mắt đen tròn chăm chú hướng về màn ảnh, kỹ thuật viên Trần Ngọc Chính vỗ vai tôi, chia sẻ niềm vui giản dị. Sau hơn 3 giờ đồng hồ theo dõi hết 3 bộ phim, người dân ở làng Giọt 1 ra về với khuôn mặt đầy vui vẻ, kèm những tràn vỗ tay dù đồng hồ điểm 22 giờ. “Cả 3 bộ phim đều có nội dung rất hay và bổ ích. Sau lần này, bà con mong sẽ có thêm những buổi chiếu khác”, ông Đinh Ngắt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh An, tâm tình.
Đây chỉ là 1 buổi trong hàng nghìn buổi chiếu phim được Trung tâm VHĐA thực hiện trong nhiều năm qua. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm trung tâm thực hiện từ 1.600 đến hơn 2.000 buổi chiếu phim phục vụ cho nhân dân. Ngoài phim tuyện, trung tâm còn kết hợp chiếu phim chuyên đề để tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ rừng, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nội dung tuyên truyền trước mỗi buổi chiếu đều được lựa chọn phù hợp với truyền thống, tập quán các dân tộc vùng miền.
Ông Võ Văn Tiễn, Phó Giám đốc Trung tâm VHĐA, cho biết: “Ngoài chiếu phim chính, đơn vị còn phổ biến kịp thời các văn bản của địa phương, Trung ương đến đông đảo người dân. Nhờ đó, tiếng nói của Đảng, Nhà nước trải trên màn ảnh rộng đã đi vào tâm hồn, ý thức của bà con ở từng vùng miền. Thời gian tới, công tác chiếu bóng lưu động tiếp tục được thực hiện, với chất lượng phục vụ ngày càng nâng cao”.
AN NHIÊN