Xây dựng nông thôn mới ở Cát Nhơn: Ðảng viên đi đầu, cán bộ dân vận khéo
Những năm qua, Ðảng bộ xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát) đã đẩy mạnh công tác dân vận, lấy gương tiên phong, đi đầu của cán bộ, đảng viên để vận động quần chúng nhân dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH. Ðến cuối năm 2019, xã Cát Nhơn đã về đích nông thôn mới.
Đảng viên đi trước
Ông Lê Minh Sự, Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Cát Nhơn, cho biết: Xác định tầm quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), thời gian qua, Đảng ủy và chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt, tạo tiền đề để phát triển KT-XH. Trong đó, địa phương xác định công tác tuyên truyền để phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm của người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm sớm hoàn thành chương trình; vai trò tiền phong, gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên là nhân tố quyết định sự thành công. Nhờ vậy, đã tạo được niềm tin và XDNTM trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.
Một góc xã Cát Nhơn.
Bí thư Chi bộ thôn Trung Bình, ông Trịnh Ngọc Bình cho hay: Ngay từ những ngày đầu triển khai, 8 đảng viên của chi bộ thôn không chỉ đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, mà còn gương mẫu trong việc hiến đất đai, hoa màu để xây dựng hạ tầng nông thôn. Điển hình như đảng viên Trịnh Văn Hùng đã tự nguyện hiến hơn 80 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, trở thành tấm gương để bà con trong thôn hưởng ứng làm theo.
Những việc làm thiết thực của cán bộ, đảng viên đã giúp người dân địa phương nhận thấy lợi ích thiết thực của chương trình quốc gia XDNTM, nhận rõ trách nhiệm của từng người, từng nhà mà hành động. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, bộ mặt nông thôn ở xã Cát Nhơn đã đổi thay rõ rệt.
Đời sống người dân khởi sắc
Trong thực hiện chương trình XDNTM, xã xác định đầu tư hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, tạo tiền đề cho việc phát triển KT-XH.
Đến nay, từ nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, ngân sách xã và nhân dân đóng góp, Cát Nhơn đã đầu tư gần 18 tỷ đồng nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, đảm bảo vận chuyển hàng hóa, đi lại thuận lợi suốt 4 mùa. Cùng với đó, xã đã quan tâm, ưu tiên cho việc nâng cấp hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đáp ứng nhu cầu thâm canh trong sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2012 đến nay, xã đã đầu tư trên 16 tỷ đồng để kiên cố hóa các công trình hồ, đập, hệ thống kênh mương nội đồng, đảm bảo cho phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đến nay, giá trị canh tác ở Cát Nhơn đã đạt hơn 120 triệu đồng/ha/năm.
Nông dân Cát Nhơn thu hoạch lúa.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, một nông dân ở thôn Đại Hữu, phấn khởi nói: “Nhờ XDNTM mà cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn xã đã được đầu tư đồng bộ, không còn cảnh “nắng bụi, mưa bùn”, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát triển kinh tế, tăng cao thu nhập. Gia đình tôi ngoài sản xuất nông nghiệp, nhiều năm nay, nhờ đường sá được nâng cấp hoàn thiện, còn mạnh dạn mua thêm xe tải 3,5 tấn để làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho người dân trong xã. Nhờ đó, hàng tháng có thêm thu nhập hàng chục triệu đồng, đảm bảo chi phí cho cuộc sống gia đình và nuôi con cái ăn học”.
Sản xuất công nghiệp và xây dựng ở xã Cát Nhơn thời gian qua cũng có bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,7%/năm. Đáng chú ý là cụm công nghiệp Cát Nhơn đã cơ bản được lấp đầy với 7 DN hoạt động sản xuất, kinh doanh, diện tích 60 ha, giải quyết việc làm cho 725 lao động tại địa phương. Theo thống kê của chính quyền địa phương, đến nay, thu nhập bình quân của người dân xã Cát Nhơn đạt trên 41 triệu đồng/người/năm.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cát Nhơn Trần Văn Tâm khẳng định: Có thể nói, Đảng bộ, chính quyền địa phương đã nỗ lực không ngừng trong thực hiện chương trình XDNTM và đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận. Bài học rút ra là, sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên, cùng với đó là công tác dân vận khéo, huy động được sự chung tay, góp sức của quần chúng nhân dân là những nhân tố cơ bản quyết định việc XDNTM thành công.
N. HÂN