Mẹ của em ở trường...
Luôn nỗ lực và tận tâm, cô Huỳnh Thị Mỹ Dung, giáo viên Trường mầm non thị trấn Vân Canh (huyện Vân Canh) và cô Nguyễn Thị Trang, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) được Bộ trưởng Bộ GD&ÐT tặng bằng khen vì những đóng góp tích cực trong sự nghiệp chăm sóc, dạy dỗ trẻ mầm non.
Gần gũi, thấu hiểu
13 năm trong nghề là 13 năm cô Huỳnh Thị Mỹ Dung gắn bó với từng hoạt động, lời nói, niềm vui của trẻ. Ban đầu, cô Dung dạy ở điểm trường Đắk Đưm (thị trấn Vân Canh), nơi có phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số. Do vậy, cô tập trung tăng cường tiếng Việt cho các em, giúp các em có thể trò chuyện, giao tiếp để lên lớp 1 học tập tốt hơn.
Khi bắt đầu dạy ở Đắk Đưm, cô Dung chủ động học tiếng Chăm Hroi để có thể thường xuyên hỏi thăm, nắm được hoàn cảnh từng gia đình để trò chuyện, trao đổi về việc dạy dỗ trẻ. Nhiệt tình là vậy nhưng phải mất đến nửa năm, phụ huynh mới… dạn dĩ, chịu tiếp xúc rồi dần tin tưởng, mở lòng và đồng hành với cô. Không chỉ vậy, cô còn gặp gỡ nhiều bà con khác để thuyết phục họ hiểu lợi ích của việc thành thạo tiếng Việt đối với con em.
Cô Dung tăng cường dạy tiếng Việt cho các bé trong những tiết học cùng vui chơi với trẻ.
Cô Dung chia sẻ: Không chỉ đến tận nơi để tuyên truyền, hằng ngày vào giờ đón trả trẻ, chúng tôi cũng liên tục nhắc nhở cha mẹ các em chịu khó nói tiếng Việt với con. Bên cạnh đó, khi ở trường, chúng tôi tăng cường chơi trò chơi, kể chuyện, đọc thơ cho các cháu nghe bằng tiếng Việt. Sau đó, cô giáo đặt câu hỏi rồi nói chuyện với các cháu. Đặc biệt, để hoạt động tăng cường tiếng Việt được hiệu quả, môi trường trường học phải xanh, sạch, đẹp.
“Có một điều thú vị ở điểm trường Đắk Đưm là khi đã tin tưởng cô giáo, phụ huynh hăng hái cùng các cô dọn vệ sinh, trồng hoa, trồng rau trong khuôn viên trường. Từ đó, chúng tôi tập cho các cháu gọi tên các sự vật bằng tiếng Việt. Có hôm phụ huynh còn chủ động đến dọn vệ sinh rất sớm, khi cô trò đến lớp thì mọi thứ đã tinh tươm”, cô Dung vui vẻ kể.
Vì thiếu giáo viên, điểm trường Đắk Đưm phải dạy lớp ghép. Cô Dung phụ trách lớp 3 độ tuổi từ 3 - 5 tuổi. Cô chia sẻ: Mỗi độ tuổi mình có cách dạy khác nhau, việc chuẩn bị đồ dùng dạy học cũng vậy. Trẻ 3 tuổi thì đồ dùng đơn giản hơn, trẻ 4, 5 tuổi sẽ nâng cao hơn. Không phải gò ép là được, mỗi bài học phải làm các cháu cảm thấy vui vẻ, hứng thú.
Chăm chút cho ngôi trường
Với vai trò là cán bộ quản lý, cô Nguyễn Thị Trang, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Mỹ Hiệp đã phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Đồng thời, cô xây dựng môi trường trường học lấy trẻ làm trung tâm bằng nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả. Do vậy, trường nhiều lần đạt các danh hiệu: Trường học thân thiện - Học sinh tích cực, tập thể Lao động tiên tiến, tập thể Lao động xuất sắc. Đặc biệt, năm học 2017 - 2018 trường được tặng cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT tặng bằng khen trong phong trào thi đua Dạy tốt học tốt; năm học 2018 - 2019, trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba…
Cô Trang trò chuyện với học sinh.
Để học sinh không phải học nhờ trụ sở thôn, sau khi gom các điểm trường còn 1 điểm chính và 2 điểm lẻ (trước đây trường có đến 16 điểm), cô Trang tích cực tham mưu lãnh đạo đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, xây dựng, mở rộng diện tích các điểm trường. Đồng thời, 100% học sinh của trường được tham gia bán trú. Cô Trang chia sẻ: Tôi còn gặp và nhờ các cơ sở kinh doanh trên địa bàn giúp đỡ cho trường, ai ủng hộ gì nhận nấy, người cho cát, người cho gạch, cho sách… tôi dành xây dựng thành điểm trang trí cho trường. Ở lớp, giáo viên vận động phụ huynh ủng hộ những gì không dùng nữa như chai lọ để các cô làm đồ chơi. Đến nay, mỗi điểm trường đều có sân chơi ngoài trời, trang bị đầy đủ các loại đồ chơi, bồn hoa, vườn cây, vườn thuốc nam, vườn rau cho trẻ.
Nhờ chịu khó chăm chút mỗi ngày một ít như thế, đến nay khu vui chơi của các bé rất phong phú, gồm: sân khấu ngoài trời, siêu thị của bé, vườn cổ tính, khu vui chơi phát triển vận động, tiệm làm đẹp, góc ATGT, thư viện của bé… Cô Trang kể: Các bé ở quê nên vườn quê hay ruộng lúa không xa lạ gì, vì vậy thay vào đó tôi làm những trò chơi mới mẻ, cho các cháu biết siêu thị, tiệm làm đẹp… là như thế nào.
Khá tâm huyết với việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh, cô Trang vận động phụ huynh tổ chức cho các bé học tiếng Anh theo chương trình Happy Hearts cho khối lớp lá. Ban đầu triển khai dạy cho 50% học sinh lớp lá và sau đó là 100%. Cô Trang cho biết, phụ huynh lớp nhỏ hơn cũng muốn con được làm quen tiếng Anh nên trường cũng đang tìm cách để hợp đồng giáo viên.
THẢO KHUY