“Quán”, có mấy chữ “quán”?
Quán với nghĩa “nhà nhỏ để bán hàng” trong tiếng Việt là một từ gốc Hán, bắt nguồn từ chữ quán (bộ thực) với nghĩa “quán trọ, cửa hiệu” trong tiếng Hán. Đây cũng là chữ quán trong các từ: hàng quán, lữ quán, quán ăn, quán nét, quán xá… Chữ quán này còn có nghĩa “cơ quan, nơi làm việc”, như trong đại sứ quán, hội quán, quốc sử quán…
Quen thì có họ hàng gì với quán không? Rất bất ngờ là có! Trong tiếng Việt “quen” cũng là một từ gốc Hán, bắt nguồn từ chữ quán (bộ tâm) trong tiếng Hán với nghĩa “quen, thói quen”. Mối quan hệ gần gũi giữa hai nguyên âm -a ~ -e ngoài quán ~ quen, ta còn gặp trong trản ~ chén, trảm ~ chém, xa ~ xe… Đây cũng là chữ quán trong tập quán, quán tính.
Trong tiếng Hán còn có chữ quán (bộ mịch) với nghĩa “cái mũ, đội mũ”. Từ nghĩa “cái mũ trên đầu”, quán phái sinh nghĩa “đứng đầu, vượt trội, che trùm”. Ta gặp nghĩa này trong từ quán quân.
Bên cạnh đó, còn có chữ quán (bộ bối), có nghĩa là “chuỗi tiền xâu, cái dây để xâu tiền” và nghĩa động từ “xâu chuỗi, xuyên qua, đục thủng”. Từ nghĩa này, quán mở rộng nghĩa “thông, suốt”; như trong quán triệt, quán xuyến, nhất quán… Chữ quán này còn có một nghĩa nữa là “chỗ ở từ nhiều đời”, như trong quê quán, nguyên quán, trú quán…
Về danh xưng của bồ-tát Avalokiteshvara, lâu nay, ta thường gọi chung Quan Thế Âm hoặc Quán Thế Âm. Có điều này là chữ quán (bộ kiến) trong Quán Thế Âm còn có âm đọc quan. Với âm quan, nó có nghĩa “ngắm nhìn, xem xét, cách nhìn”, như trong quan sát, tham quan, quan niệm, nhân sinh quan… Với âm quán, nó có nghĩa “xét thấu, nghĩ thấu”. Danh xưng Quán Thế Âm có nghĩa là “nghe thấu âm thanh của thế gian”. Theo nhà Phật, sở nghĩ ngài mang hồng danh này là “do hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn, mỗi khi chúng sinh gặp khổ ách, nhất tâm niệm danh hiệu của bồ-tát, ngài liền quán xét âm thanh đó mà cứu họ thoát khỏi tai ách”.
Chữ quán (bộ kiến) này còn mang nghĩa “nhà thờ của các đạo sĩ”. Cho nên, nơi thờ tự của họ được gọi là đạo quán.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ