Tuyển sinh ĐH năm 2020: Xuất hiện nhiều tổ hợp xét tuyển lạ
Trong đề án tuyển sinh vừa công bố, rất nhiều trường đại học sử dụng những tổ hợp rất lạ, thậm chí có trường khối ngành kỹ thuật và ngành sức khỏe sử dụng cả môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân để xét tuyển.
Tại hội nghị tuyển sinh năm 2020, cũng như trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2020 và cả công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh, Bộ GD&ĐT luôn nhấn mạnh: phải chấm dứt tình trạng nhiều trường sử dụng một số tổ hợp (mỗi tổ hợp có 3 môn) xét tuyển không phù hợp. Thế nhưng, trong đề án tuyển sinh vừa công bố, rất nhiều trường đại học (ĐH) sử dụng những tổ hợp rất lạ, thậm chí có trường khối ngành kỹ thuật và ngành sức khỏe sử dụng cả môn Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân để xét tuyển.
Thí sinh thi đánh giá năng lực tại ĐH Quốc gia TPHCM năm 2019
Lạm dụng tổ hợp xét tuyển
Bộ GD&ĐT khẳng định, việc tuyển sinh luôn mở rộng quyền tự chủ cho các trường ĐH, nhưng việc tự chủ tuyển sinh phải gắn chặt với trách nhiệm, giải trình nhằm đảm bảo chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo. Thế nhưng, thực tế ở nhiều trường lại lạm dụng, sử dụng những tổ hợp rất lạ để xét tuyển với mục tiêu đảm bảo số lượng chỉ tiêu như mong muốn.
Trong đề án mà Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội công bố trên website của trường, ngành Dược học và ngành Điều dưỡng tuyển cả tổ hợp Toán - Hóa - Giáo dục công dân; ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô tuyển tổ hợp Toán - Sử - Địa; các ngành Công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ kỹ thuật môi trường cũng xét tuyển tổ hợp có môn Giáo dục công dân.
Tương tự, theo đề án tuyển sinh ký ngày 31.5.2020 của Trường ĐH Thành Đông, nhiều ngành kỹ thuật dùng tổ hợp xét tuyển cũng có môn khoa học xã hội. Cụ thể như ngành Công nghệ thông tin xét tuyển tổ hợp Toán - Ngữ văn - Lịch sử; ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Dược học, Y học cổ truyền đều có môn Lịch sử trong tổ hợp xét tuyển. Hay như Trường ĐH Hải Phòng, có ngành Kỹ thuật công trình xây dựng, Quản trị kinh doanh cũng đưa cả môn Địa lý vào tổ hợp xét tuyển.
Tại các trường ĐH khu vực phía Nam, tình trạng lạm dụng các tổ hợp “lạ” để xét tuyển cũng xuất hiện. Chẳng hạn, Trường ĐH Võ Trường Toản có ngành Y khoa xét tuyển tổ hợp Toán - Sinh - Văn; ngành Dược xét tuyển tổ hợp Toán - Hóa - Văn. Còn Trường ĐH Nam Cần Thơ, có ngành Kỹ thuật môi trường xét tuyển tổ hợp Văn - Hóa - Sinh.
Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai có các ngành kỹ thuật và kể cả các ngành như Điều dưỡng, Kỹ thuật y học xét nghiệm cũng đưa tổ hợp các môn Địa lý, Giáo dục công dân để xét tuyển…
Phải chứng minh tính khoa học
Theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), Bộ GD&ĐT luôn nhắc nhở việc sử dụng các tổ hợp xét tuyển. Tại trường, khi họp hội đồng tuyển sinh phải chứng minh, thuyết trình tính khoa học mỗi khi sử dụng những tổ hợp mới trước hội đồng, có môn nào trong tổ hợp xét tuyển cảm thấy không phù hợp là bác bỏ ngay.
Thực tế, trong khối ngành kỹ thuật, môn Toán là môn cơ bản kèm theo đó là các môn Lý, Hóa hoặc tiếng Anh, vì giúp cho người học có đủ năng lực cần thiết để theo học trong suốt quá trình đào tạo. Còn về năng lực các môn khoa học xã hội (Văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân) cần thiết cho những ngành kỹ thuật hay không thì chưa thấy có nghiên cứu khoa học nào làm rõ về vấn đề này. Vì vậy, những trường đưa những tổ hợp “lạ” vào xét tuyển cần phải giải trình một cách khoa học để chứng minh cho Bộ GD&ĐT và sau đó là với người học.
Trong khi đó, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô nhưng có trường xét tổ hợp Toán - Sử - Địa thì… rất lạ. “Những năm nay, ngành này được thí sinh đăng ký rất nhiều, có trường tuyển cả 1.000 chỉ tiêu. Như vậy, chất lượng đào tạo sẽ rất thấp.
Thực tế, trên các hệ thống của ô tô chủ yếu dựa trên nền tảng vật lý nhưng tuyển cả môn Sử - Địa để làm gì. Nếu bất chấp tuyển sinh theo kiểu này và tuyển nhiều tôi thấy sợ quá, đào tạo kiểu gì và người học ra trường sao làm việc được”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng băn khoăn.
Riêng về khối ngành Sức khỏe, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TPHCM nhìn nhận, những môn đưa vào trong tổ hợp xét tuyển luôn phải có sự liên quan đến chương trình đào tạo.
“Thực tế, do năm nay ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự lựa chọn tổ hợp thi có điều chỉnh. Nếu những năm trước, thí sinh được chọn thi cả hai tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh) và Khoa học xã hội (Sử - Địa - Giáo dục công dân) thì năm nay chỉ được chọn 1. Do đó, việc ngành Dược, Điều dưỡng mà có trường xét tổ hợp có cả môn Giáo dục công dân là không khả thi”, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi phân tích.
Theo THANH HÙNG (SGGP)