BÁN BẢO HIỂM CHO TÀU CÁ ÐÓNG MỚI THEO NGHỊ ÐỊNH 67:
Ngày vui dài chẳng tày gang...
Chỉ sau một thời gian ngắn bán bảo hiểm cho tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 (thường gọi là “tàu 67”), các DN kinh doanh bảo hiểm đã cùng nhau tạm ngừng. Không có bảo hiểm, nhiều “tàu 67” của ngư dân Bình Ðịnh lại nằm bờ.
Tháng 3.2020, nhiều chủ “tàu 67” trong tỉnh vui mừng vì được vươn khơi sau khi Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định (thuộc Tổng công ty CP Bảo hiểm PJICO) bán bảo hiểm trở lại. Song ngày vui dài chẳng tày gang…
Nhiều “tàu 67” của ngư dân huyện Phù Cát không mua được bảo hiểm đành phải neo đậu tại cảng cá Đề Gi.
Tàu nằm bờ, lòng chủ tàu như lửa đốt
Chuẩn bị bốc tổn, kêu bạn để đi biển thì tàu cá vỏ thép BĐ 99689 - TS của ông Mai Trường, ở phường Hoài Thanh, TX Hoài Nhơn được ngành chức năng thông báo không được ra khơi vì tàu đã hết hạn bảo hiểm. Dẫn tôi ra nơi con tàu đang đậu tại cảng cá Tam Quan, ông Trường bộc bạch: “Tàu tôi hết hạn bảo hiểm từ tháng 12.2019, tôi đăng ký mua lại từ đó đến nay vẫn chưa được. Mấy chuyến biển trước, tàu tôi vẫn được đi biển vì có bảo hiểm tai nạn thuyền viên, nhưng chuyến biển này thì BĐBP không cho ra khơi vì không có bảo hiểm tàu cá. Mặc dù, tôi đã liên hệ nhiều DN bảo hiểm để mua bảo hiểm tàu cá nhưng họ đều từ chối bán”.
“Theo Luật Thủy sản thì chỉ có bảo hiểm thuyền viên mới bắt buộc, còn bảo hiểm tàu cá không bắt buộc, nhưng theo chính sách Nghị định 67 để bảo đảm tài sản hình thành từ vốn vay của ngân hàng, ngư dân buộc phải mua bảo hiểm tàu cá. Bởi vậy, Bộ Tài chính chưa giải quyết đề nghị của DN bảo hiểm thì không chỉ DN gặp khó mà ngư dân cũng sẽ “mắc kẹt”. Bộ NN&PTNT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị sớm giải quyết vấn đề bảo hiểm tàu cá cho ngư dân. Song đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa có trả lời, mọi việc vẫn còn phải chờ”.
Ông NGUYỄN VĂN TRUNG
Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT)
Tàu cá vỏ thép BĐ 99789 - TS của ngư dân Ngô Văn Chí, ở phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn cũng nằm bờ vì lý do tương tự. Ông Chí cho biết: “Không mua được bảo hiểm tàu cá thì ngư dân không được ra khơi. Mình có liều mạng bất chấp mà ra cũng không được vì BĐBP không cho đã đành mà phía ngân hàng cũng không chịu. Họ nói con tàu là tài sản hình thành từ vốn vay, ra khơi mà không có bảo hiểm rủi gặp bất trắc, tổn thất thì không thu hồi được nợ vay”.
Ngư dân Trịnh Ngọc Anh, cũng ở phường Hoài Hương, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99879 - TS, tỏ vẻ lo lắng: “Tàu tôi hết hạn bảo hiểm từ tháng 4.2020, nhưng nay vẫn chưa mua lại được. Hiện tàu đang ở ngoài khơi vì có mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Nhưng sau chuyến biển này, khi đã vào bờ chắc cũng sẽ không được đi biển như các tàu khác vì không có bảo hiểm tàu cá. Tàu nằm bờ mà lãi vay vẫn phải trả, không ai không sốt ruột cả!”.
Theo Văn bản số 0001 ngày 14.4.2020 mà các DN bảo hiểm gồm: PVI, Bảo Minh, PJICO đồng loạt ký gửi Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) yêu cầu sửa đổi, bổ sung quy tắc, biểu phí chương trình bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67. Theo các DN này, sau nhiều năm tham gia chương trình này, các DN bảo hiểm đều gặp tỷ lệ tổn thất cao, nhưng vẫn chưa có quy định điều chỉnh, bổ sung để cải thiện chương trình bảo hiểm này. Vì vậy, các DN tạm dừng nhận bảo hiểm tàu cá cho đến khi Bộ Tài chính thỏa mãn các yêu cầu.
Ông Phạm Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bảo hiểm PJICO, cho biết: “Chúng tôi luôn hiểu về vai trò, nghĩa vụ của mình trong việc đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển; nhưng là một DN kinh doanh, chúng tôi luôn gặp sức ép và tuân thủ theo định hướng, mục tiêu, kế hoạch kinh doanh từ cổ đông. Các cổ đông không chấp nhận cho phép tiếp tục tham gia một chương trình bảo hiểm có tỷ lệ tổn thất quá cao trong nhiều năm liền như vậy. Vì lẽ đó, chúng tôi đã làm văn bản đề nghị Bộ Tài chính sớm sửa đổi quy tắc bảo hiểm”.
Nhiều “tàu 67” của ngư dân TX Hoài Nhơn không mua được bảo hiểm đành phải neo đậu tại cảng cá Tam Quan.
Cần sớm gỡ vướng
Theo báo cáo của các DN bảo hiểm, năm 2019, tỷ lệ tổn thất tại các địa bàn DN tham gia bảo hiểm tăng cao. Cụ thể: PVI có tỷ lệ bồi thường 97,5%, Bảo Việt có tỷ lệ bồi thường 232,86% và PJICO có tỷ lệ bồi thường 586,14%. Riêng quý I/2020, tổng số tiền bồi thường các DN đã thanh toán là 29,2 tỷ đồng và ước số tiền bồi thường là 157,8 tỷ đồng so với tổng phí bảo hiểm thu được là 21,1 tỷ đồng.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bảo hiểm PJICO Phạm Thanh Hải cho rằng: Hiện nay có nhiều thay đổi về luật, nhất là Luật Thủy sản năm 2017 đang thi hành thì cần phải sửa đổi các quy tắc bảo hiểm, tính toán lại để đảm bảo công bằng cho các DN bảo hiểm. Chúng tôi rất mong Bộ Tài chính sớm giải quyết kiến nghị của các DN bảo hiểm, đây là vấn đề cấp bách, nếu không kịp thời sửa đổi các quy tắc thì sẽ gây thiệt hại không chỉ cho DN bảo hiểm mà cho cả ngư dân khi tàu buộc phải nằm bờ.
Bán bảo hiểm cho “tàu 67” không có lời nên DN ngừng, hiểu theo một hướng nào đó thì DN kinh doanh bảo hiểm chỉ bán hàng khi có các điều kiện thuận lợi bảo đảm và chắc chắn có lời. Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với ngư dân, cơ quan thẩm định để đánh giá, xác định lại khấu hao tài sản các con tàu và đề nghị các DN bán bảo hiểm trở lại cho ngư dân trong khi chờ chính sách thay đổi. Các DN bảo hiểm và chủ tàu nên ngồi lại để bàn bạc về phương án bán bảo hiểm tàu cá, chứ không thể hùa nhau ngừng bán bảo hiểm cho ngư dân, nói là làm luôn như vậy được. Cùng với đó, UBND tỉnh sẽ kiến nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành Trung ương có giải pháp sớm gỡ vướng để ngư dân nói chung trong đó có ngư dân Bình Định tiếp tục được vươn khơi.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN