Bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề: Giữ gìn nét đẹp quê hương
Bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống trong cuộc sống hiện đại vừa là giải pháp tạo việc làm, phát triển kinh tế, vừa tham gia giữ gìn nét đẹp văn hóa quê hương.
Tỉnh Bình Định có nhiều làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi, như: Làng nghề rượu Bàu Đá (xã Nhơn Lộc), làng rèn Tây Phương Danh (phường Đập Đá) thuộc TX An Nhơn; làng nghề dệt chiếu cói thôn Công Thạnh (phường Tam Quan Bắc), làng nghề dệt chiếu cói Chương Hòa (xã Hoài Châu Bắc), làng nghề dệt thảm xơ dừa ở Tam Quan, thuộc TX Hoài Nhơn… Hầu hết, các làng nghề này đều trải qua nhiều thăng trầm trước khi tìm ra “chỗ đứng” trên thị trường như hiện nay.
Làng nghề và hồn vía của một vùng đất
Ở làng nghề dệt chiếu cói Chương Hòa hiện có hơn 200 cơ sở và hộ làm nghề dệt chiếu cói, tạo việc làm cho hơn 500 lao động, với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Trước đây, người dân làm nghề theo kiểu thuần thủ công, sức cạnh tranh của sản phẩm kém. Mấy năm gần đây, người dân làm nghề đã đầu tư máy móc, thay đổi mẫu mã để vực dậy nghề này. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo, ở khu phố Công Thạnh, phường Tam Quan Bắc, cho biết: “Với sự hỗ trợ của máy móc, năng suất tăng lên rất nhiều, mỗi ngày một thợ dệt có thể làm ra 10 - 15 chiếc chiếu. Vì vậy bây giờ hộ nào cũng đầu tư thêm máy để làm, riêng gia đình tôi đầu tư 4 máy dệt chiếu, tạo việc cho 8 lao động ở địa phương, mỗi tháng đưa ra thị trường hơn 1.000 chiếc chiếu”.
Làng nghề dệt chiếu cói Chương Hòa, xã Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn) trên đà phát triển.
Tương tự, làng rượu Bàu Đá có tuổi đời hơn 100 năm, đến nay còn 33 hộ tham gia sản xuất rượu, chủ yếu là bà con ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc. Ở làng rèn Tây Phương Danh hiện có hơn 50 hộ gắn bó, gìn giữ nghề. Ngoài 2 làng nghề đạt tiêu chí làng nghề truyền thống theo tiêu chí mới, ở TX An Nhơn hiện có hơn 20 làng nghề khác vừa giữ vai trò tạo động lực kinh tế nông thôn, vừa hàm chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của địa phương, làm nên hồn vía của một vùng đất.
Ông Đào Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, khẳng định: “Các làng nghề truyền thống ở An Nhơn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu lao động của thị xã và tăng thu nhập cho người lao động. Giá trị sản xuất trong làng nghề ở địa phương hằng năm đạt 350 - 400 tỷ đồng”. Đây quả thực là những đóng góp rất lớn và nếu khéo léo đầu tư để phát huy giá trị “hồn vía” của những làng nghề - đặc biệt ở lĩnh vực du lịch - chắc chắn sức tác động và đóng góp của các làng nghề sẽ còn cao hơn thời gian qua rất nhiều.
Bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử
Trong hành trình ra đời - phát triển với cả thăng, trầm, một mặt các làng nghề tạo ra thêm nhiều giá trị văn hóa, tác động tích cực và phái sinh những giá trị mới, mặt khác bằng chính sự tồn tại của mình, các làng nghề là nơi bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa, lịch sử thông qua những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghi thức giàu bản sắc văn hóa địa phương. Các sản phẩm chứa đựng các tri thức dân gian, bí quyết nghề nghiệp, kỹ năng truyền nghề, tinh hoa văn hóa nghệ thuật gắn liền với các nghệ nhân như: Bí quyết để gốm Vân Sơn có màu đỏ tươi, để rượu Bàu Đá, bún Song Thằn có hương vị thơm ngon đặc trưng…
Các làng nghề có chức năng liên kết cộng đồng theo từng nhóm nghề, duy trì các ngày hội, lễ hội gắn với hoạt động văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Chẳng hạn, ngày 12.2 âm lịch hằng năm, người dân tổ chức lễ hội truyền thống làng rèn Tây Phương Danh nhằm tri ân vị tổ sư Đào Dã Tượng và các bậc tiền hiền có công khai sinh, xây dựng làng nghề rèn. Làng dệt chiếu cói Chương Hòa có ông tổ được thờ là Bá Hộ, dịp giỗ tổ cũng trở thành lễ hội truyền thống vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Những sự kiện như vậy vừa tạo ra sức gắn kết những người trong nghề, vừa tác động đến cộng đồng dân cư xung quanh, gắn bó tình làng nghĩa xóm.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa và Gia đình (Sở VH&TT), đánh giá: Nét văn hóa chung ở các làng nghề truyền thống là địa danh thường gắn với cộng đồng dân cư có chung nghề, tồn tại lâu đời và có sức sống bền bỉ. Trong quá trình phát triển, cùng với việc lưu truyền các bí quyết cho thế hệ sau, hoạt động của nghề và làng nghề cũng tạo ra bản sắc văn hóa của vùng đất, mà điển hình là thơ ca, hò vè, hát đối… Trong đời sống hiện đại, một số nội dung cũ, không còn phù hợp nữa sẽ lùi lại, mất đi như một sự chọn lọc tự nhiên, đồng thời sẽ có những giá trị mới xuất hiện. Làng nghề càng phát triển thì những giá trị mới càng nhiều!
Bởi vậy, để phát triển làng nghề nếu chỉ dựa vào giá trị vật chất làng nghề mang lại sẽ không đủ. Khi chú trọng phát huy những giá trị văn hóa, làng nghề sẽ phát triển ổn định và bền vững. Ông Võ Mai Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ máy móc, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, thành lập các HTX làng nghề, nghề truyền thống để giúp các làng nghề phát triển ổn định, trong đó ưu tiên làng nghề có bề dày văn hóa, lịch sử để vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị văn hóa gắn phát triển du lịch cộng đồng.
AN NHIÊN - ĐOAN NGỌC