Một vẻ đẹp lặng lẽ
Khi tôi đến thăm, anh Trần Nam (38 tuổi, ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) đang chuyên chú tinh chỉnh pho tượng Hộ Pháp Phật giáo Mật Tông. Bức tượng được làm bằng gỗ mít, cao bằng người thường với hàng nghìn chi tiết, hoa văn. Anh Nam kể, cách đây 3 năm sau khi hài lòng với bức tượng Hỷ Thần, nhà sư trụ trì một ngôi chùa ở tỉnh Bình Dương đã đặt tiếp để anh làm pho tượng này. 3 năm để tạo tác một tác phẩm như vậy thật ra không nhiều, chỉ riêng phần tinh chỉnh - chiếm khoảng 20% khối lượng công việc - làm ráo riết, có ít cũng mất 6 tháng mới xong. Tạc một pho tượng theo mẫu sẵn rất nhanh, nhưng sáng tạo một tác phẩm mới thì rất lâu. Người đặt hàng thường chỉ cho đề bài, còn cụ thể như thế nào là công việc của mình. Nhận đề bài xong, mình phải làm tư liệu, phải tìm hiểu các nội dung liên quan, lên các phác thảo để trao đổi với bên đặt hàng. Xong đâu đó mới làm mẫu phác thảo chính thức làm cơ sở thi công.
Trần Nam và một tác phẩm điêu khắc gỗ của anh.
Theo anh Nam, ở ta có rất nhiều tượng liên quan đến Phật giáo, nhưng hầu hết đều là tượng với các chỉ đấu theo dòng Phật giáo Đại thừa hoặc Tiểu thừa. Tượng thể hiện nội dung theo dòng Phật giáo Mật Tông rất hiếm. Đó là một cái khó, nhưng chính cái khó ấy khiến anh hưng phấn khi sáng tác pho tượng kể trên. “Nó làm tôi mất ngủ nhiều đêm. Nhiều lần sư thầy đặt tượng phải trao đổi với tôi rất cặn kẽ từ chi tiết đến thần thái để mình hình dung và khắc họa theo đúng yêu cầu. Rất vất vả nhưng khi làm được thì rất vui”, anh Nam kể.
38 tuổi đời, hơn 20 năm tuổi nghề, ngay từ nhỏ, Trần Nam đã bộc lộ niềm đam mê tạo hình trên gỗ. Học xong phổ thông, anh theo thầy học tạo hình trên mặt phẳng. Sau đó tự mình nghiên cứu các kỹ thuật tạo hình khác, vừa làm vừa học và mãi đến năm 24 tuổi anh mới bán được tác phẩm đầu tiên, đó là một bộ bàn ghế làm từ gốc tạo dáng long - ly - quy - phụng. Sống tương đối khép kín, dành nhiều thời gian cho công việc, giao thiệp hẹp nên dẫu “trình nghề” cao nhưng tiếng tăm về Trần Nam chỉ khoanh lại với những người trong giới. Từ năm 2010, tượng gỗ của Trần Nam mới được nhiều người biết đến, đơn hàng dành cho anh mới nhiều hơn.
Thế mạnh của Trần Nam không chỉ ở chỗ đẹp mà còn là nét riêng. “Không đụng hàng” là điểm mà những nhà sưu tập đặc biệt lưu ý. Với cung cách sáng tạo của mình, Trần Nam chinh phục được nhiều người. Gần đây cùng với tượng tròn, phù điêu, anh còn khá thành công với những tác phẩm tranh khắc trên gỗ theo phong cách thủy mặc. “Một vài người gọi tôi là nghệ sĩ điêu khắc, tôi rất ngại. Tôi chỉ là một người thợ điêu khắc gỗ muốn làm ra những sản phẩm thật đẹp, có thể chia sẻ với nhiều người. Giờ có nhiều người trong và ngoài tỉnh đặt hàng, như thế là vui rồi”, Trần Nam tâm sự.
NGÔ HỒNG SƠN