Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vừa phòng thủ dịch Covid-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế
(BĐ) - Chiều 2.7, kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc vừa phòng thủ dịch Covid-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế, với tinh thần “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba, không bàn lùi, cả nước chung sức đồng lòng xây dựng đất nước lúc khó khăn”.
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến, do Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Tại điểm cầu Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Thông tin tại hội nghị cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2020 của cả nước đạt 0,36%, tính chung 6 tháng đầu năm tăng 1,81% - mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu bị tác động mạnh của dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương.
Nhiều ý kiến của các bộ, ngành, địa phương thảo luận, đề xuất giải pháp để chống suy thoái kinh tế trong thời điểm “sống chung với Covid-19”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, đưa vào nghị quyết sau phiên họp, tập trung làm ngay những vấn đề cấp bách, càng sớm càng tốt để tận dụng cơ hội phục hồi KT-XH.
Nguồn: BTV
Nhấn mạnh phục hồi kinh tế là vấn đề cấp bách, Thủ tướng yêu cầu các chính sách điều hành phải chủ động, linh hoạt hơn để kích thích tổng cầu, thu hút đầu tư, đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thủ tướng lưu ý, nếu để đứt gãy nền kinh tế sẽ gây hệ lụy khó lường trong trung và dài hạn, nhất là năm nay khi chúng ta tiến hành đại hội đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc vào năm sau. Do đó, việc giữ vững niềm tin, đảm bảo thu nhập của người dân là vô cùng quan trọng.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp sắp tới, Thủ tướng nhấn mạnh lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt phương châm hành động mới để phục hồi và phát triển kinh tế. Tận dụng tối đa thời cơ và cơ hội để tạo động lực mới cho phát triển. Tập trung giải ngân đầu tư công bởi lượng tiền năm nay rất lớn, gần 30 tỷ USD, đóng vai trò quan trọng cho tăng trưởng; xem xét tiến độ các dự án hiện nay để thực hiện điều chỉnh vốn vào tháng 8 tới, không để tình trạng trì trệ. Vai trò của chính sách tài khóa lúc khủng hoảng là vô cùng quan trọng, yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước phải chủ động xây dựng phương án cân đối nguồn để triển khai các gói hỗ trợ theo quy định, trong đó có việc vay từ các tổ chức quốc tế, các nguồn khác…
Qua thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, đặc biệt là phục hồi, phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng yếu. Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và DN; không được gây khó dễ cho nhà đầu tư, DN, cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính…
THU HIỀN