Không chịu nghèo
Đỗ Đăng Trình, 24 tuổi, ở thôn Thuận An, xã Mỹ Thọ (Phù Mỹ) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có tới 9 người con. Cha Trình không may bị bệnh tim, mọi công việc đều dồn hết lên đôi vai mẹ. Cái nghèo cứ mãi đeo đuổi gia đình.
Đỗ Đăng Trình với bồ câu lai giống Pháp vừa ấp thành công. Ảnh: XUÂN LỘC
Không cam chịu, Trình quyết tâm làm giàu trên mảnh đất của gia đình rộng khoảng 1.000 m2. Năm 2011, khi còn học trung cấp thú y, Trình phải đi gánh củi thuê, gánh than mướn để có tiền đi học. Những ngày nghỉ, Trình về cùng ba, mẹ chăm sóc khu vườn của mình, từng bước tập tành nuôi heo, gà, vịt, cá, ba ba, bồ câu, cái chính là để vận dụng kiến thức học ở trường vào thực tiễn. Cũng từ đây, Trình bắt đầu nhen nhóm ước mơ cháy bỏng là làm giàu trên đồng đất quê mình.
Năm 2012, tốt nghiệp trung cấp thú y, không chút do dự, Trình háo hức về quê, dành hết vốn liếng, thời gian và nhiệt huyết để trồng trỉa, chăn nuôi. Trình sôi nổi: “Tôi đầu tư theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, lấy chất lượng làm đầu, sử dụng hết diện tích vườn nhà, hướng vào đa dạng hóa sản phẩm, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, tăng dần số lượng”. Trình xây hồ, nuôi ba ba và nuôi cá xen canh thân thiện. Cứ sau 5 - 7 ngày thay nước hồ, anh tận dụng dẫn nước cũ ra tưới 2 sào mì, 4 sào bắp, giúp giảm chi phí đầu tư phân bón mà bắp, mì vẫn phát triển tốt. Bắp, mì thu hoạch được, phần Trình dùng làm thức ăn cho 3 con trâu, phần xay ra rồi ủ lên men làm thức ăn cho đàn heo, bò. Lại tận dụng hèm sau khi nấu rượu, Trình cho heo ăn để heo nhanh tăng trọng.
Từ kiến thức học ở trường cộng với sự chịu khó học hỏi, Trình đã lai tạo thành công giống bồ câu lai giống Pháp, bằng cách cho bồ câu Úc phối với bồ câu Pháp, với chi phí chỉ bằng một nửa so với giá bồ câu giống Pháp. Mỗi tháng, Trình xuất bán 20 cặp bồ câu giống với giá từ 80 - 100 ngàn đồng/cặp và cá các loại, heo, gà, vịt, bò. Trong năm 2012, Trình thu được gần 100 triệu đồng, tuy số tiền lãi chưa phải là nhiều nhưng hứa hẹn những mùa sau sẽ khá hơn. Hiện Trình có khoảng 500 con ba ba, 500 con cá các loại, 20 con heo, 50 cặp bồ câu sinh sản không bán vội, vì anh muốn vật nuôi ngày càng nhiều để cho sinh sản, lai tạo, sản phẩm luôn quay vòng.
Nhận xét về Trình, Bí thư xã đoàn Mỹ Thọ, anh Trần Minh Hiếu, khẳng định: “Trình là một thanh niên có ý chí, có nghị lực, mạnh dạn thực hiện cách làm ăn mới, đã có hiệu quả bước đầu. Với đà này, nếu được giúp đỡ về vốn, đầu ra sản phẩm ổn định thì tương lai không xa đầy hứa hẹn ở Mỹ Thọ sẽ có ông chủ trẻ tuổi giàu có từ kinh tế VAC Đỗ Đăng Trình”.
LÊ KIỂU