Phân luồng sau tốt nghiệp THCS: Giảm dần chỉ tiêu vào lớp 10 THPT
Thực hiện Ðề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn tỉnh, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT, Sở GD&ÐT đã điều chỉnh giảm chỉ tiêu vào lớp 10 THPT, đồng thời nhiều trường cũng có những hoạt động phân luồng, hướng nghiệp riêng.
Các em tham gia học nghề có thể ra làm việc ngay vì thời gian thực hành chiếm 70% trở lên.
- Trong ảnh: Các học viên Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn trong giờ thực hành.
Ông Phan Thanh Liêm, Phó trưởng Phòng Quản lý chất lượng giáo dục - Giáo dục thường xuyên, cho biết: Năm nay, chỉ tiêu vào lớp 10 THPT giảm hơn năm ngoái. Theo đó, tổng chỉ tiêu vào lớp 10 THPT năm nay là 85,98%, giảm 1,69% so với năm ngoái. Không thể giảm ngay một lúc quá nhiều mà chúng tôi tính toán giảm dần theo lộ trình, nếu giảm một lúc quá nhiều thì phụ huynh, học sinh lo lắng, hơn nữa giảm nhiều học sinh sẽ dôi dư nhiều giáo viên ở các trường.
Tại phiên làm việc mới đây với tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Chúng ta đang thực hiện phân luồng theo 2 cách, một là thông qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, hai là tuyên truyền để phụ huynh, học sinh và cả xã hội hiểu về việc học làm sao cho phù hợp với năng lực của bản thân, điều kiện của gia đình, lợi ích của việc học nghề, tự nguyện phân luồng. Dù bắt buộc nhưng tôi không đánh giá cao cách thứ nhất, việc làm cho người dân hiểu mới là quan trọng, tuy nhiên cách này phải cần thời gian. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án giáo dục hướng nghiệp vào năm 2022, sau đó sẽ đi sâu vào các vấn đề giáo dục nghề. Sắp tới, Bộ sẽ có nhiều giải pháp hơn nữa để khuyến khích học sinh học nghề.
Kế hoạch của UBND tỉnh quy định, giai đoạn 2019 - 2021 thực hiện cập nhật nội dung giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; triển khai nội dung giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho học sinh học liên thông giữa các trình độ đào tạo, lên các cấp học cao hơn; hỗ trợ để học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách… vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ sở giáo dục phổ thông với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh, đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt.
Lớp trung cấp Công nghệ ô tô, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn.
Từ đầu năm học 2019 - 2020, Trường THCS An Hòa (huyện An Lão), một số trường ở Phù Mỹ, Tuy Phước… đã có ý định cho học sinh tham quan các cơ sở đào tạo nghề, tuy nhiên vì dịch bệnh nên chưa thực hiện được. Do vậy, khi học sinh đi học lại, một số trường đã phối hợp với một số cơ sở giáo dục nghề đến tư vấn cho học sinh. Ông Trần Thiện Tài, Phó trưởng Phòng GD&ĐT Tuy Phước, cho biết: “Dù chỉ tiêu vào lớp 10 giảm không nhiều nhưng điều quan trọng hơn là trong chính các em và cha mẹ các em đã có sự chuyển biến trong nhận thức, chính lãnh đạo các trường cũng chủ động hơn. Trước kia cơ sở giáo dục nghề phải đến tận trường, xin liên hệ để tư vấn thì nay các trường chủ động mời phối hợp. Vừa rồi, Trường THCS Phước Hiệp, Trường THCS Phước Lộc, Trường THCS Trần Bá đã mời Trung tâm Hỗ trợ tuyển sinh và giới thiệu việc làm (Trường CĐ Cơ điện Xây dựng và Nông lâm Trung bộ) và một số trường đào tạo nghề trên địa bàn về tư vấn. Kết quả khá tích cực!
Theo Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1.7, mục đích của giáo dục THCS là củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học THPT hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.
Không chỉ tư vấn cho học sinh, các chuyên gia còn tư vấn cho cả phụ huynh trong buổi họp phụ huynh của trường. Ngoài việc phân tích tường tận về lợi ích của việc học nghề, Trung tâm còn giới thiệu những nghề trọng điểm, tư vấn chọn nghề phù hợp với từng sở thích, năng lực và sức khỏe của học sinh.
Em Lê Thành Chiến, học viên lớp trung cấp Công nghệ ô tô, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, chia sẻ: Trước kia em học Trường THCS Trần Quang Diệu. Sau khi học xong lớp 9, em đăng ký học nghề luôn không thi vào lớp 10 THPT vì anh họ em bảo học nghề sẽ dễ có việc làm và đỡ tốn thời gian hơn. Khi thấy các bạn thi em cũng muốn thi nhưng học nghề vẫn có cơ hội học tiếp, thời gian học nghề được miễn phí nên gia đình em không phải lo lắng nhiều, sau này muốn học nữa thì mình cũng có tay nghề, tự kiếm tiền nuôi bản thân được.
Theo nhận định của hầu hết các chuyên gian tư vấn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, với xu hướng ngày càng xem trọng kỹ năng làm việc hơn là bằng cấp, dần dần học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học nghề sẽ nhiều hơn. Do vậy, một số trường dạy nghề đã có kế hoạch liên kết với trường THCS đưa học sinh tham quan các lớp học nghề, mở rộng tư vấn. Nhận thấy, đối với cấp THCS, nhận thức của phụ huynh thật sự quan trọng, ông Nguyễn Quốc Vỹ, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng thường xuyên (Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn), cho hay: Sau khi học sinh thi vào lớp 10, Trường sẽ khảo sát và gửi thông tin tuyển sinh thật cụ thể về nhà các em, chú ý đến những em không có khả năng trúng tuyển vào lớp 10 THPT. Việc gửi thông tin trực tiếp đến nhà sẽ giúp phụ huynh nắm bắt vấn đề dễ dàng hơn.
THẢO KHUY