Đính chính thông tin cá nhân người có công: Làm ngay để đảm bảo quyền lợi
Vì nhiều lý do do hoàn cảnh lịch sử để lại, không ít người có công với cách mạng có nhiều họ tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh khác nhau trong hồ sơ, giấy tờ tùy thân. Dù ngành LÐ-TB&XH đã hướng dẫn cụ thể và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh, thống nhất thông tin trong nhiều năm qua nhưng vẫn còn một số người có công không quan tâm cho đến khi quyền lợi bị ảnh hưởng.
“Vướng” cho người thực hiện
Đầu tháng 6.2020, Sở LÐ-TB&XH phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai thí điểm việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công (NCC) qua bưu điện. Theo đó, đội ngũ chi trả không còn là cán bộ phòng LĐ-TB&XH như trước mà được thay bằng đội ngũ nhân viên bưu điện.
Qua thực hiện, một trong những khó khăn nhân viên bưu điện gặp phải là nhiều NCC có họ tên trong danh sách không giống với giấy tờ tùy thân do yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cách mạng, lúc họ dùng tên này, lúc tên khác. Trước đây, cán bộ phòng LĐ-TB&XH đảm trách chi trả trong nhiều năm nên biết họ và vẫn phát chế độ chính sách đầy đủ.
Người có công ở TP Quy Nhơn đến Bưu điện làm thủ tục nhận trợ cấp ưu đãi trong tháng 6.2020.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết, về nguyên tắc, nếu cấp trên kiểm tra hồ sơ chi trả, nhân viên bưu điện sẽ bị phê bình vì làm sai quy định; do họ tên trong danh sách không khớp với giấy tờ đối chiếu mà lại không có xác nhận của cơ quan chức năng rằng hai họ, tên đó là của một người. “Đa số NCC đều cao tuổi, không giải quyết cho họ thì áy náy mà giải quyết thì anh em nhân viên bưu điện không yên tâm vì không có cơ sở để giải trình với cấp trên. Việc này khó nghĩ ngay cả với cấp quản lý, bởi không lường được liệu có nhân viên nào cố ý làm sai để chiếm dụng tiền”, ông Dũng trao đổi.
Việc không điều chỉnh thông tin cá nhân để trùng khớp với hồ sơ gốc cũng đã gây không ít khó khăn cho NCC trong việc nhận thẻ BHYT. Theo các phòng LĐ-TB&XH, nhiều trường hợp như vậy khi có đơn đề nghị đính chính thông tin, họ đều nỗ lực tìm kiếm giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho NCC.
Chưa làm thì hãy làm ngay
Qua tìm hiểu, lý do NCC hoặc thân nhân NCC không thực hiện điều chỉnh, thống nhất thông tin cá nhân là vì đa số cho rằng chuyện đó không cần thiết. Cũng có người ngại đi lại, làm các thủ tục hành chính, cá biệt một số rất ít không biết rằng cần phải điều chỉnh lại thông tin cho đến khi quyền lợi bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH), Sở đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cấp cơ sở thực hiện việc điều chỉnh thông tin cho NCC.
Cụ thể, Văn bản số 2324 ngày 30.12.2013 hướng dẫn thực hiện chính sách đối với NCC và thân nhân của họ nêu rõ: NCC, thân nhân liệt sĩ hoặc thân nhân NCC đã từ trần làm đơn đề nghị đính chính thông tin trong hồ sơ theo mẫu kèm các giấy tờ làm căn cứ như Giấy khai sinh (trường hợp không có giấy khai sinh thì căn cứ vào CMND hoặc hộ khẩu hoặc giấy tờ lý lịch đảng hoặc lý lịch cán bộ…) rồi gửi UBND cấp xã.
Văn bản hướng dẫn liên ngành số 16 ngày 28.11.2017 cũng thể hiện rõ trình tự, thủ tục hồ sơ đối với những trường hợp sai thông tin cá nhân không có cơ sở đính chính trong hồ sơ gốc. Văn bản này còn đề nghị Phòng LĐ-TB&XH đôn đốc các xã, phường, thị trấn tổng hợp lập danh sách gửi cơ quan BHXH cấp huyện trước ngày 15.12 hàng năm để kịp thời thực hiện việc cấp thẻ BHYT cho NCC.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang, những NCC, thân nhân liệt sĩ chưa đính chính thông tin cá nhân trong hồ sơ, giấy tờ thì hãy sớm làm việc này. “Về lâu dài, trong xu thế phát triển của xã hội, các thủ tục hành chính được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đưa vào hệ thống công nghệ thông tin quản lý thì thông tin cá nhân NCC phải thống nhất, chính xác. Thời gian tới, phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố tích cực hướng dẫn, đôn đốc, tạo mọi thuận lợi giúp NCC thực hiện việc này”, ông Quang chỉ đạo.
NGỌC TÚ