Nhớ mùi rạ ẩm
● Tản văn của Đào Thanh Tùng
Cơn mưa đầu mùa vừa rớt xuống, những khô cong bữa giờ được tưới tắm cứ rạng rỡ hết cả lên. Mẹ dưới quê điện thoại lên hồ hởi khoe lúa đã kịp gặt về chất sân, chờ máy đến tuốt và phơi phóng nữa là đổ bồ. Tôi ở trên phố, trong lòng cứ chộn rộn, gợn sóng những ký ức từ thời xa lắc. Gặt lúa xong sẽ tới mùa cắt rạ.
Bao năm rồi ấy nhỉ? Lại ngẩn ngơ đếm khoảng thời gian rời quê lên phố. Thêm ba tháng nữa là tròn mười sáu năm. Thời gian trôi đi nhanh một cách không ngờ. Không giống như một số địa phương khác, quê tôi sau khi gặt lúa xong còn thu luôn rơm rạ. Lại nhớ bữa nói chuyện gần nhất với đám bạn trên phố, chúng nó ngẩn tò te, mắt chữ A, mồm chữ O chẳng biết rạ là gì hết. Và hẳn nhiên đám bạn cũng chẳng biết rạ để làm gì. Thế là một đứa vốn dĩ sống ở quê, quanh năm suốt tháng gắn bó với ruộng đồng, rơm rạ nhẫn nại giải thích.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN TẤN VĨ
Rạ là phần gốc của cây lúa sau khi thu hoạch phần bông lúa xong. So với sợi rơm thì rạ có dinh dưỡng và công dụng gần như là như nhau. Rạ được cắt về phơi khô cùng với rơm lúa, xây thành cây cao dùng cho trâu bò ăn. Vào mùa lạnh rơm rạ cũng dùng để ủ ấm đám gia súc, gia cầm. Rơm rạ sạch dùng làm chất đốt nấu cơm canh, nấu cám heo và cũng được để làm mái lợp che nắng che mưa.
Nghĩ tới việc thu hoạch rạ khi nước ở ruộng xăm xắp nước, bùn lình lầy lội mà người tôi sởn cả gai ốc lên. Lúc đó cắt rạ cực nhất. Cắt lúa còn được đứng chứ cắt rạ phải “lăn lê bò toài”, quần áo, người cứ ướt sũng từ trong ra ngoài. Một lần đang cắt rạ, mệt quá tôi nằm sõng soài luôn trên cả đống rạ. Đó là khi trời khô ráo, còn mưa ướt thì chịu. Xung quanh tôi là cánh đồng bao la những gốc rạ, mênh mông mùi bùn, mùi đất cứ quyện lấy vào nhau. Ngửa mặt nhìn lên bầu trời, nắng xiên xéo qua mắt chói lóa, lấy chiếc nón tơi che tạm, bên tai đám dế, ếch nhái, côn trùng rỉ rả không ngớt. Đám bạn quê tôi, chúng nó đứa nào đứa nấy đi cắt rạ về kêu than cực nhọc, trong đầu lúc nào cũng nung nấu một ngày ra với phố sống thoát khỏi cảnh ruộng đồng. Ấy thế mà cuộc đời lạ lùng, quay đi quay lại, đến khi sống ở phố cũng dễ gần bằng quãng thời gian sống ở quê lại muốn quay về úp mặt vào cuống rạ. Lúc đó tôi muốn được vô tư, đùa nghịch với lũ bạn trong những buổi đi cắt rạ, trong âm thanh lao xao ngọt ngào của gió đồng, của tiếng đàn vạc kêu chiều, tiếng trâu bò ậm ờ gọi nhau và trong mùi rạ ẩm vương vít của đất mẹ khó nhọc.
Rạ để ngoài ruộng sẽ lâu khô hơn khi được gánh về nhà để phơi. Chưa kể mà mưa xuống thì rạ ẩm ướt, lúc đó chỉ còn nước mang về chất vào mấy gốc cây ăn quả cho ẩm đất mà thôi. Nên mẹ cứ đợi cắt rạ xong phơi non nắng mẹ lại mang quanh gánh, gánh về nhà. Tôi cũng tập tành gánh rạ với mẹ. Chiếc đòn gánh trên vai nặng trĩu với những bó rạ dưới quang làm tôi gập ghềnh, đi đứng không vững. Mẹ luôn nhường cho tôi gánh rạ trước vì nhỡ tôi có bị đổ rạ mẹ còn phụ giúp kịp. Và hơn hết mẹ luôn động viên tôi để tôi hoàn thành gánh rạ về tới tận nhà. Đi giữa đường làng, sỏi đá khua chân, mùi rạ lại lẩn quất bên người.
Nỗi nhớ của những người con xa quê như tôi luôn có mùi rạ ẩm. Nhớ về rạ ẩm là nhớ tảo tần của ba mẹ. Những lam lũ mà cả cuộc đời ba mẹ chịu đựng để dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái. Cũng nhờ những ngày gian khó bên gốc rạ tôi mới hiểu được bến đỗ gia đình là bến đỗ bình yên nhất. Và chỉ cần tôi muốn, tôi mệt mỏi trở về sẽ có quê nhà, ba mẹ bao dung. Và cả mùi rạ ẩm thân thương…