Gói tín dụng 16.000 tỷ đồng hỗ trợ DN vay trả lương: Doanh nghiệp khó vay vì vướng nhiều quy định
Với nhiều quy định trong điều khoản vay, nhiều DN cho biết họ khó tiếp cận với gói tín dụng 16.000 tỷ đồng hỗ trợ DN vay trả lương khi gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Theo Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh Bình Ðịnh, đến nay đơn vị vẫn chưa giải ngân được khoản vay nào cho DN.
Ngày 24.4.2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 05/2020/TT-NHNN quy định tái cấp vốn đối với Ngân hàng CSXH Việt Nam để thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, tổng số tiền gói hỗ trợ này là 16.000 tỷ đồng, lãi suất 0%, cho các DN vay trả lương cho người lao động. Ngân hàng CSXH Việt Nam ban hành văn bản cụ thể hướng dẫn nghiệp vụ triển khai gói tín dụng hỗ trợ này.
Hoạt động sản xuất của một DN trong ngành may mặc trên địa bàn tỉnh, nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Theo ông Đoàn Trung Thành, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Bình Định, đơn vị triển khai đầy đủ các bước, hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh; phối hợp liên ngành trong công tác hỗ trợ, rà soát các DN chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, nhằm kịp thời giải ngân gói tín dụng này. Tuy nhiên, Ngân hàng chưa tiếp nhận được hồ sơ của DN đáp ứng được quy định tại Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 05 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thực tế ở tỉnh ta, chủ yếu là DN vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính không mạnh, chịu tổn thất lớn do dịch bệnh Covid-19. Đến hết 6 tháng đầu năm 2020, rất nhiều DN vừa và nhỏ đã nộp đơn ngừng hoạt động, xin giải thể, phá sản lên Cục Thuế tỉnh. Tính đến hết tháng 6.2020, toàn tỉnh có 166 DN ngừng, tạm ngừng hoạt động; 1.126 DN được thực hiện gia hạn tiền thuế đất. Sở LĐ-TB&XH cũng đã tiếp nhận và hướng dẫn, giải quyết cho 8/52 DN với tổng số lao động là 2.694/5.600 người đề nghị tạm dừng đóng BHXH vào hai quỹ hưu trí và tử tuất...
Ðến hết ngày 31.7.2020, Ngân hàng CSXH Việt Nam dừng tiếp nhận gói tín dụng 16.000 tỷ đồng cho DN vay trả lương. Chậm nhất đến ngày 15.8.2020, Ngân hàng CSXH Việt Nam hoàn lại số tiền chưa giải ngân hết từ gói tín dụng này cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trong khi đó, để vay được gói tín dụng trên, các DN phải đáp ứng các quy định, điều khoản: DN phải có từ 20% lao động đang tham gia BHXH và bắt buộc tạm nghỉ việc trong thời gian từ 1 tháng liên tục trở lên; DN không nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2019; DN không còn đủ tiềm lực tài chính, sử dụng hết quỹ dự phòng trả lương cho người lao động; DN phải trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động; DN được Sở LĐ-TB&XH trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt đủ điều kiện…
Đến nay, Sở LĐ-TB&XH chưa trình danh sách DN đủ điều kiện vay tín dụng ưu đãi, Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Bình Định vì thế chưa thể thực hiện giải ngân. Chúng tôi đã liên hệ trao đổi với Sở LĐ-TB&XH về vấn đề này, đơn vị cho biết đang tổng hợp danh sách, trình lên các cấp xem xét. Trong quá tiếp nhận hồ sơ, chiếu theo các điều khoản quy định trong Thông tư 05 thì khó có DN trong tỉnh đủ điều kiện.
Theo phân tích từ một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, các quy định, điều khoản vay ràng buộc là bắt buộc để tránh tình trạng trục lợi chính sách. Tuy nhiên, với điều khoản quy định quá ngặt nghèo như gói tín dụng 16.000 tỷ đồng, DN tiếp cận được gói vay này rất khó. Theo phân tích của chuyên gia này, chỉ xét điều khoản không còn nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2019 là bất khả thi, vì thường đa số DN vừa và nhỏ không có nhiều vốn và khó có thể trả nhanh nợ vay trong tình hình làm ăn khó khăn...
Một chủ DN (đề nghị không nêu tên) trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ ở tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, buồn bã chia sẻ, DN của ông có quy mô nhỏ nên chỉ tuyển tối đa 10 nhân công, và hợp đồng lao động chính thức cho 4 thợ chính, còn lại là thợ mùa vụ, không ràng buộc về hợp đồng lao động. Ban đầu, để duy trì hoạt động, DN tính đến việc tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ, xét thấy quy định khó đáp ứng, đành nộp đơn xin phá sản và giải thể công ty...
THU DỊU