Khẩn trương kéo giảm đà gia tăng sốt xuất huyết: Loại bỏ triệt để ổ bọ gậy, phun hóa chất diện rộng
Bình Ðịnh nằm trong 12 tỉnh, thành có số ca mắc sốt xuất huyết Dengue liên tục tăng. Vì vậy, ngày 3.7, Bộ Y tế yêu cầu tỉnh triển khai khẩn trương các biện pháp phòng chống, loại bỏ triệt để ổ bọ gậy, phun hóa chất diện rộng, không để dịch lan rộng và kéo dài.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), đến cuối ngày 4.7, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) của tỉnh đã lên đến 2.572 trường hợp, 1 ca tử vong tại TP Quy Nhơn.
Phun hóa chất ngay trong tháng 7
TX Hoài Nhơn tiếp tục có số ca bệnh SXH cao nhất toàn tỉnh, với 461 ca mắc tại tất cả các xã, phường. Bất thường của SXH ở thị xã này là từ tháng 5 đến nay, số ca mắc tăng cao đột biến (tháng 5 ghi nhận 95 ca, tháng 6 có 99 ca). Kiểm tra nguồn gây bệnh do CDC tiến hành ngày 3.7 cho thấy, bọ gậy có rất nhiều trong máng nước cho gà uống, quạt nước, ngăn chứa nước của bể biogas, xô/thùng chứa nước sinh hoạt, vật dụng phế thải…
Kiểm tra ổ bọ gậy trong máng nước cho bò uống tại nhà dân.
Bác sĩ Trần Hữu Vinh, Giám đốc TTYT TX Hoài Nhơn, thừa nhận: Bên cạnh nguyên nhân khách quan, công tác phòng chống SXH của địa phương còn hạn chế. Việc chỉ đạo phòng chống dịch của chính quyền xã, phường một số nơi chưa quyết liệt; công tác diệt bọ gậy chưa đạt yêu cầu, chưa duy trì thường xuyên, chưa phối hợp chặt chẽ giữa y tế, chính quyền địa phương và cộng đồng. Trung tâm đã tham mưu UBND thị xã triển khai chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất chủ động phòng, chống SXH tại 5 phường trọng điểm (Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Tam Quan, Hoài Hương, Bồng Sơn) từ nay đến cuối năm theo kế hoạch của Sở Y tế và các điểm nguy cơ cao ở tất cả các địa phương.
Quy Nhơn cũng là điểm nóng SXH với 365 ca mắc. Bác sĩ Trần Kỳ Hậu, Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn cho hay, thành phố đã triển khai diệt bọ gậy và phun hóa chất chủ động cho 6 phường, xã (Phước Mỹ, Ngô Mây, Nhơn Bình, Quang Trung, Đống Đa, Nhơn Phú). Đồng thời, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch chủ động cho 10 phường, xã (Ngô Mây, Nguyễn Văn Cừ, Nhơn Bình, Đống Đa, Quang Trung, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Phước Mỹ, Trần Quang Diệu, Ghềnh Ráng).
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân loại bỏ ổ chứa bọ gậy trong các vật dụng chứa nước.
Trước tình hình thời tiết đang thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển và gia tăng mật độ, Giám đốc CDC Bùi Ngọc Lân yêu cầu các địa phương triển khai hoạt động diệt bọ gậy, duy trì 1 tuần/lần tại khu vực đang có ổ dịch; 2 tuần/lần tại khu vực có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng an toàn; 1 tháng/lần tại khu vực còn lại. Đặc biệt, triển khai chiến dịch phun hóa chất chủ động chống dịch ngay tháng 7 này, chứ không đợi đến tháng 8 như kế hoạch ban đầu.
Giám sát từng ca bệnh, ổ dịch
Với hơn 300 ca mắc từ đầu năm đến nay, huyện Tuy Phước đưa chỉ tiêu phòng chống dịch bệnh này thành một trong các chỉ tiêu phát triển KT-XH của các địa phương. Bác sĩ Trương Văn Kỳ, Phó Giám đốc TTYT huyện Tuy Phước, cho hay, bên cạnh việc củng cố và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, huyện huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia phòng chống dịch, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy Đảng và chính quyền.
“Các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tập trung quyết liệt công tác diệt bọ gậy, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch. Ðặc biệt, công tác truyền thông về các chiến dịch diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất chủ động rất quan trọng, để người dân biết, phối hợp thực hiện”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh
(Phát biểu tại hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, cuối tháng 6.2020).
Bác sĩ Đào Đức Huy, Trưởng trạm y tế xã Phước An, cho biết: “Xã có 47 ca mắc SXH từ đầu năm đến nay - nhiều nhất huyện Tuy Phước, phần lớn tập trung ở công nhân - vì vậy chúng tôi đã làm việc với các DN tại Cụm công nghiệp Phước An tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh SXH. Tổ giám sát dịch tễ của Trạm phối hợp chính quyền địa phương thực hiện giám sát hằng ngày đối với ca bệnh mới và ổ dịch cũ tại cộng đồng”.
Giám sát dịch tễ SXH của CDC, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn đều có kết quả, dù đang mùa nắng nóng, nhưng ổ bọ gậy rất đa dạng, như: Quạt nước; bể, chum, chậu chứa nước sinh hoạt; máng nước cho bò, gà uống; bể nước lò rèn; bình cắm hoa, chậu cảnh, lốp xe hỏng, chum vại vỡ, vỏ dừa...
“SXH chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng chống chủ yếu từ cộng đồng. Phải xác định rõ là “không có bọ gậy thì không có SXH”. Quan trọng nhất là sự tham gia phòng chống dịch bệnh của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cũng như ý thức của người dân”, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng khẳng định.
MAI HOÀNG