Đắk Nông ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm bệnh bạch hầu
Sáng 7.7, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 25 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 4 ổ dịch ở các huyện Krông Nô, huyện Đắk R’Lấp và huyện Đắk G’Long
Theo đó, trong 25 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu, có những ca không xuất hiện triệu chứng bệnh nên rất khó phát hiện.
“Khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên dương tính với bạch hầu, quan điểm ngành y tế tỉnh Đắk Nông là không chờ dịch nên đã chủ động rà soát cộng động trong và ngoài vùng dịch và phát hiện thêm 18 ca bệnh nên tiến hành điều trị kịp thời”, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Nông thông tin.
Theo Sở Y tế Đắk Nông, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 4 ổ dịch ở các huyện Krông Nô, huyện Đắk R’Lấp và huyện Đắk G’Long (2 ổ dịch tại xã Đắk R’Măng và xã Quảng Hòa) trong đó, có 19 bệnh nhân đang điều trị Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông và Trung tâm y tế huyện Krông Nô. Số ca bệnh còn lại đã được điều trị khỏi và xuất viện.
"Ngay sau khi xuất hiện dịch, ngành y tế tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị UBND tỉnh mua huyết thanh điều trị bệnh bạch hầu cho các bệnh nhân. Nhờ có huyết thanh kịp thời nên nhiều bệnh nhân (trong đó có những ca nặng) tình trạng sức khỏe đã ổn định”, đại diện Sở Y tế Đắk Nông cho biết.
Ngoài việc điều trị kịp thời cho các bệnh nhân, hiện nay, ngành y tế tỉnh cũng tổ chức cách ly, khoanh vùng các ổ dịch, đồng thời tổ chức tiêm vaccine cho 3.518 người và cho uống thuốc điều trị dự phòng cho 2.569 người trong và ngoài vùng dịch.
Đối với ổ dịch thứ 4 tại huyện Đắk R’Lấp, ngành y tế tỉnh Đắk Nông cũng tổ chức cách ly, khoanh vùng, phun hóa chất 715 hộ, 3 trường học, Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm Y tế và toàn Bon Bu Nđoh (nơi xuất hiện dịch) để ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tổ chức tiêm vaccine và thuốc uống cho hàng trăm người dân trong và ngoài vùng dịch.
Nói về nguyên nhân dịch lây lan nhanh, ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, cho biết, tại Đắk Nông, quá trình sàng lọc phát hiện 4 ca người lành mang trùng, không có biểu hiện bệnh. Nếu những người này di chuyển tới vùng miễn dịch tốt thì không sao, nhưng tới vùng lõm tiêm chủng, gặp những người không có miễn dịch thì sẽ lây lan bệnh.
Ông Chiến cho rằng, ở Việt Nam, tổ chức tiêm chủng mở rộng thực hiện tốt. Tuy nhiên, trong tiêm chủng có tỷ lệ không đáp ứng miễn dịch, nên mới xảy ra tình trạng người tiêm vẫn mắc bệnh.
“Ở các tỉnh Tây Nguyên, có quá nhiều vùng lõm về tiêm chủng, có đến 92% số người bị bệnh bạch hầu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc tiêm chủng mở rộng chỉ bảo vệ đến khoảng 5 đến 7 tuổi. Độ tuổi trên 7 tuổi có thể bị giảm, mất miễn dịch khi gặp các tác nhân thì xuất hiện các ca bệnh. Do đó, khuyến cáo người dân đến 7 tuổi, 12 tuổi, 18 tuổi phải tiếp tục tiêm nhắc lại”, ông Chiến cho biết thêm.
Theo ĐÔNG NGUYÊN (SGGP)