“Phượng” và “đậu phụng”
Phượng là loài hoa đẹp, gắn liền với mái trường và tuổi học trò. Hoa phượng đẹp ngay từ tên gọi. Người ta gọi hoa phượng vì hoa giống đuôi chim phượng, loài chim trong thần thoại, được xem là vua của các loài chim (một người anh em với phượng là phượng vĩ có nghĩa “đuôi chim phượng” [vĩ: đuôi]). Phượng (phụng) là chim trống, hoàng là chim mái, đôi khi được gọi chung phượng hoàng. Trong văn hóa phương Ðông, phượng là một trong tứ linh (long, ly, quy, phụng).
Cũng như phượng (hay phượng tây), phượng vĩ (hay phượng ta, kim phượng; một họ của phượng nhưng nhỏ hơn), đậu phụng được gọi tên theo phương thức liên tưởng từ hình dáng của hoa, thân lá (giống như đuôi chim phượng).
Liên quan đến đậu phụng, có nhiều điều thú vị. Miền Bắc gọi đậu phụng là lạc, một cách rút gọn của từ lạc hoa sinh (âm Hán Việt) chỉ đậu phụng trong tiếng Trung. Một số nơi gọi đậu phụng là đậu phộng, do sự gần gũi giữa hai vần -ung ~ -ông (cũng như chủng ~ giống, cộng ~ cùng, lung ~ lồng). Trong các thư tịch Hán Nôm, dầu phụng được ghi là phụng du (dầu trong tiếng Việt là từ gốc Hán, bắt nguồn từ chữ du thuộc bộ thủy, nghĩa “dầu, mỡ”. Ngoài phụng (bộ điểu), trong tiếng Việt có nhiều từ mang hình vị phụng/phượng (bộ thủ hoặc đại; nghĩa: dâng lên, hầu hạ, tin thờ, vâng kính) như: Phụng dưỡng, phụng sự, thờ phượng, cung phụng…
Th.S PHẠM TUẤN VŨ