Công tác thu gom, xử lý rác thải ở huyện Tây Sơn: Cần có giải pháp bền vững
Gặp nhiều áp lực trong xử lý rác thải, bãi chôn lấp chất thải rắn có nguy cơ quá tải, phát sinh nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường, thực trạng này đang diễn ra tại huyện Tây Sơn và khiến các ngành chức năng địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
Công trình Bãi chôn lấp chất thải rắn (BCLCTR) huyện Tây Sơn (tại thôn Phú An, xã Tây Xuân) do UBND huyện Tây Sơn làm chủ đầu tư, xây dựng trên diện tích 7 ha với tổng vốn đầu tư (giai đoạn 1) hơn 34 tỉ đồng. Công trình đi vào hoạt động từ tháng 8.2016.
Vẫn còn những khó khăn
Lúc mới hoạt động, BCLCTR mỗi ngày tiếp nhận khoảng 22 tấn rác thải sinh hoạt từ 9/15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Thời điểm hiện tại, đã có 13/15 xã, thị trấn (trừ xã Vĩnh An và Tây Thuận) vận chuyển khoảng 40 tấn rác thải/ngày về bãi để xử lý (đạt gần 100% công suất).
Rác ở ô chôn lấp số 1 BCLCTR huyện Tây Sơn đã cao hơn bờ bao ngăn cách, tràn ra ngoài vào cả ô chôn lấp số 2 làm quá trình xử lý rác không đảm bảo.
Tại BCLCTR, hiện rác ở ô chôn lấp số 1 (diện tích 0,92 ha, sâu 4 m) đã cao hơn bờ bao ngăn cách, tràn qua ô chôn lấp số 2, làm quá trình xử lý rác không đảm bảo, phát sinh mùi hôi, ruồi nhặng. Các khu dân cư phụ cận và một số cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trong Cụm công nghiệp (CCN) Tây Xuân đang chịu ảnh hưởng từ mùi hôi của BCLCTR. “Ở gần bãi rác nên ngày nào cũng hít mùi hôi rất khó chịu, ruồi nhặng xuất hiện mỗi ngày một nhiều hơn. Đó là chưa kể mỗi lần có gió nam là các loại rác bao bì ny lông bay vào các DN hay các khu dân cư lân cận”, một người dân ở thôn Phú An, làm việc trong CCN Tây Xuân, than vãn.
Trong kế hoạch hoạt động của BCLCTR huyện Tây Sơn, đến năm 2025 sẽ lấp đầy 2 ô chôn lấp hiện tại (tổng diện tích khoảng 1,85 ha, thuộc giai đoạn 1), sau đó sẽ tiếp tục làm giai đoạn 2 với 2 ô chôn lấp tương tự (diện tích 1,86 ha) và đến năm 2030 thì đóng bãi. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban quản lý Cấp thoát nước huyện Tây Sơn - đơn vị quản lý, vận hành BCLCTR, hiện tại ô chôn lấp số 1 đã gần đầy, dự kiến năm 2021, khi tất cả các địa phương tập trung rác về bãi để xử lý thì đến năm 2023 sẽ lấp đầy cả 2 ô, sớm hơn kế hoạch 2 năm.
Thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Tây Sơn.
Bên cạnh đó, công tác thu gom rác thải trên địa bàn huyện vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Theo thống kê của UBND huyện Tây Sơn, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn huyện phát sinh hơn 65 tấn rác thải sinh hoạt; tập trung chủ yếu tại thị trấn Phú Phong và các xã Bình Tường, Tây Giang, Bình Nghi, Tây Xuân, Tây Phú. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom rác mới đạt khoảng 60%. Mặt khác, việc thu gom rác ở các xã, thị trấn mới chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, do đó, chưa giải quyết hết rác thải ở các địa phương. Thực tế này đồng nghĩa với việc hàng ngày, vẫn còn nhiều tấn rác thải chưa được thu gom và xử lý theo đúng quy trình kỹ thuật.
Cần có giải pháp đồng bộ, bền vững
Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là nhiều người dân còn coi việc giữ gìn, bảo vệ môi trường là “việc của ai” chứ không phải của mình. Tại nhiều địa phương, tình trạng người dân vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi ra nơi công cộng hoặc tự xử lý tại vườn nhà bằng hình thức chôn lấp, đốt rất phổ biến. Từ đó đã hình thành những bãi rác lộ thiên ngay các khu đất trống, ven sông, kênh mương…, ngày càng phình to, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Theo ông Đỗ Thanh Xuân, Trưởng Ban quản lý Cấp thoát nước huyện Tây Sơn: Công nghệ xử lý tại BCLCTR yêu cầu phải có phân loại rác (vô cơ, hữu cơ) từ nguồn. Tuy nhiên, hiện điều này chưa thực hiện được nên quá trình phân hủy rác sẽ lâu và nhanh đầy bãi. “Rác thu gom ngày càng nhiều, trong khi công nghệ xử lý rác của bãi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đã dẫn đến những hạn chế trong xử lý rác. Chúng tôi sẽ báo cáo UBND huyện và Sở TN&MT để có những điều chỉnh hợp lý bảo đảm việc thu gom, xử lý rác hiệu quả, không ảnh hưởng môi trường xung quanh”, ông Xuân bày tỏ.
Ngoài hạn chế về phương tiện và kinh phí, một khó khăn khác trong việc thu gom rác thải là công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia dịch vụ còn nhiều hạn chế. Thực trạng trên đòi hỏi chính quyền các địa phương cần có phương pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân hơn nữa. Đi cùng là tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện và tăng mức xử phạt đối với những DN hay cá nhân xả rác gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vận chuyển, xử lý rác thải và làm các dịch vụ môi trường khác theo hình thức xã hội hóa.
HỒNG PHÚC